Chỉ cần mỗi người có ý thức vì cộng đồng, vì môi trường chung sẽ giảm gánh nặng cho xã hội

Mới đây, trên mạng xã hội đăng tải hình ảnh “bãi chiến trường” rác thải là chai bì, vỏ lon, thức ăn thừa... để lại sau cuộc vui thâu đêm của một đám người nào đó trên tuyến đường đi bộ, đạp xe đạp dọc sông Hương vừa mới đưa vào sử dụng khiến nhiều người hết sức bức xúc.

Hay trên một thảm cỏ xanh mướt ven hồ Sơn Thọ (xã Hương Thọ, TX. Hương Trà), nơi đang được chính quyền địa phương chỉnh trang để hình thành một điểm đến du lịch, vậy mà vẫn có những người vô ý thức biến nơi đây thành những điểm xả rác sau cuộc vui.

Đó chỉ là một vài đơn cử trong vô số hành vi, thói quen thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường đang diễn ra hằng ngày ở nhiều nơi.

Nếu trước đây, khi hạ tầng cơ sở phục vụ cho mục tiêu bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh quan còn thiếu thốn, chưa đáp ứng tốt điều kiện sống hay chưa có phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” có sức lan tỏa sâu rộng thì có thể đây là lý do cản trở ý thức, hành vi bảo vệ môi trường sống của mỗi người được phát huy. Thế nhưng, khi đã có những công trình cảnh quan môi trường, thiết chế văn hóa phục vụ đời sống của người dân được chính quyền địa phương đầu tư, chỉnh trang, tôn tạo đáng được mọi người cùng giữ gìn, bảo vệ, thì một số vì thiếu, kém ý thức đã gây ảnh hưởng xấu, trực tiếp và tức thời đến tài sản, cảnh quan môi trường chung, thậm chí gây tai họa cho cộng đồng.

Ở phạm vi nhỏ hơn song tác động, tầm ảnh hưởng không nhỏ đó là ý thức bảo vệ, tuân thủ các quy định về môi trường của một số doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn chưa chuyển biến tích cực và đã bị cơ quan chức năng xử phạt vì gây ô nhiễm môi trường. Điều đáng nói là dù bị xử lý, yêu cầu khắc phục song một số vẫn cố tình chây ì, làm ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh; đến mức có những đơn vị buộc phải đưa vào diện giám sát đặc biệt.

Trong quy định xử phạt liên quan đến bảo vệ môi trường, Nghị định 155 của Chính phủ ban hành được nhiều cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương vận dụng vào thực tiễn. Đây là công cụ pháp lý dùng để răn đe, xử lý những đối tượng có hành vi chống đối, khó cải tạo. Tuy nhiên, có lúc công cụ này cũng mắc phải tồn tại. Lý do là vì lực lượng cán bộ thực thi, xử lý, những “mắt thần” camera giám sát hỗ trợ không phủ sóng hết mọi nơi, nên vấn đề còn lại vẫn cần đến giải pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của từng cá nhân với cộng đồng, xã hội.

Cần thiết nên đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, chủ trương, pháp luật và các thông tin về môi trường và phát triển bền vững cho mọi người, nhất là trong giới học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên.

Trong một số tình huống, có thể tạo thành dư luận xã hội lên án nghiêm khắc đối với các hành vi gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường đi đôi với việc áp dụng các chế tài, xử phạt nghiêm minh, đúng mức vi phạm.

Hiện nay, chính quyền địa phương, các tổ chức, cơ sở cũng như tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đa phần đều đã xây dựng tiêu chí, chuẩn mực về môi trường. Nên có thể xem đây là cơ sở để đánh giá, vận động mỗi người dân thực hiện để thay đổi ý thức, hành vi, phát huy truyền thống yêu thiên nhiên, nếp sống văn minh, gần gũi, gắn bó với môi trường.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN