Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam. Ảnh: UN Việt Nam/Nguyễn Đức Hiếu

Ông cho biết, mặc dù Việt Nam hiện vẫn đang trong quá trình kiểm soát hiệu quả làn sóng tái bùng phát dịch bệnh thứ 2 bắt đầu từ ngày 25/7 vừa qua, nhưng xét trên toàn cầu, Việt Nam đã là một trong những nước ứng phó thành công nhất thế giới đối với đại dịch COVID-19 trong khoảng thời gian từ tháng 1 cho đến ngày16/4/2020. Sau ngày đó, không có ca lây nhiễm nội bộ nào được ghi nhận trong 99 ngày liên tục. Các báo cáo cũng cho thấy, có chưa tới 400 ca lây nhiễm trên khắp cả nước trong thời gian đó, hầu hết là công dân nhập cảnh và không có trường hợp tử vong, một thành tích đáng chú ý khi Việt Nam có dân số 96 triệu người và có chung đường biên giới trên bộ dài 1.450 km với Trung Quốc.

Có kế hoạch dài hạn 

Theo ông Malhotra, thành công của Việt Nam đã thu hút sự chú ý của quốc tế vì phản ứng sớm, chủ động, có sự phối hợp của chính phủ, sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị và mọi mặt của xã hội. Với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác khác, Việt Nam đã có một kế hoạch dài hạn để có thể đối phó với các tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, dựa trên kinh nghiệm đối phó với các đợt bùng phát dịch bệnh trước đây, ví dụ như dịch SARS.

Do đó, việc quản lý thành công đợt bùng phát đại dịch COVID-19 cho đến nay có thể phần nào nhờ vào sự đầu tư của Việt Nam trong “thời bình”. Việt Nam đã chứng minh rằng việc chuẩn bị sẵn sàng đối phó với bệnh truyền nhiễm là yếu tố quan trọng để bảo vệ con người và đảm bảo sức khỏe cộng đồng trong thời điểm xảy ra các đại dịch như COVID-19.

Ngay từ đầu năm nay, Việt Nam đã tiến hành đánh giá rủi ro, ngay sau khi xác định các trường hợp “viêm phổi nặng không rõ nguyên nhân” ở Vũ Hán, Trung Quốc. Kể từ thời điểm 2 ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được xác nhận ở Việt Nam vào nửa cuối tháng 1/2020, chính phủ bắt đầu áp dụng các biện pháp phòng ngừa bằng cách tăng cường các biện pháp kiểm tra đầu vào, đóng cửa các trường học, đồng thời xây dựng chính sách cách ly và kiểm dịch ở quy mô rộng để kiểm soát COVID-19. 

Sau đó, Việt Nam cũng cho đóng cửa biên giới và đình chỉ các chuyến bay quốc tế, đồng thời yêu cầu tất cả du khách nhập cảnh, bao gồm cả công dân Việt Nam, phải thực hiện cách ly bắt buộc 14 ngày.

Học sinh một trường tiểu học ở Lào Cai được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào lớp. Ảnh: UNICEF

Không cần phong toả cả nước

Mặc dù không áp dụng lênh phong toả trên toàn quốc, nhưng một số biện pháp hạn chế về giãn cách vật lý đã được thực hiện trên khắp đất nước. Vào ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị kéo dài 2 tuần trên toàn quốc, và kéo dài thêm một tuần ở các thành phố lớn và các điểm nóng, trong đó người dân được khuyến cáo ở nhà, các cơ sở kinh doanh không thiết yếu được yêu cầu đóng cửa và hạn chế hoạt động của giao thông công cộng.

Điều phối viên Malhotra cho rằng các biện pháp này đã thành công đến nỗi, vào đầu tháng 5, sau 2 tuần không có ca nhiễm COVID-19 nào được ghi nhận trong cộng đồng, các trường học và doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động trở lại và mọi người có thể trở lại sinh hoạt bình thường. Ngôi nhà Xanh của LHQ, trụ sở của hầu hết các cơ quan LHQ tại Việt Nam, vẫn mở cửa trong suốt thời kỳ này, với sự có mặt của các Điều phối viên thường trú, đại diện WHO và khoảng 200 nhân viên và chuyên gia tư vấn của LHQ tại văn phòng, nhằm hỗ trợ quan trọng cho Chính phủ và người dân Việt Nam.

Một yếu tố quan trọng không thể không đề cập tới là người dân Việt Nam đặc biệt tuân thủ các chỉ thị và khuyến cáo của chính phủ, một phần là do lòng tin được xây dựng nhờ thông tin minh bạch, thời gian thực từ Bộ Y tế, được hỗ trợ bởi WHO và các cơ quan khác của LHQ.

Thanh niên Việt Nam trình diễn một bài hát về COVID-19 trong Ngày Quốc tế Thanh niên 2020. Ảnh: UN Việt Nam/Nguyễn Đức Hiếu

Bảo vệ những người dễ bị tổn thương

Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức để có thể đảm bảo người dân trên cả nước, đặc biệt là những người bị thiệt hại nặng nề nhất, từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), các nhóm nghèo và dễ bị tổn thương, nhận được sự hỗ trợ hiệu quả nhất từ gói bảo trợ xã hội.

Điều phối viên Malhotra cho biết LHQ mong muốn giúp chính phủ hỗ trợ các DNVVN, với sự hợp tác của các tổ chức tài chính quốc tế, có những chính sách hợp lý theo quan điểm mới, bao trùm và bền vững hơn về tăng trưởng.

Với những gì đã làm được, Đặc phái viên Malhotra “tin tưởng rằng Việt Nam sẽ một lần nữa thành công trong nỗ lực ngăn chặn sự tái bùng phát của đại dịch trong vài tuần tới”.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ UN News)