Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu trao chìa khóa bàn giao nhà cho gia đình hộ nghèo. Ảnh: THÁI BÌNH

Một ngày giữa tháng 8, 25 hộ dân nghèo sống tạm bợ trên đất di sản ăn vận đàng hoàng, khác với những bộ đồ lam lũ mưu sinh như mọi ngày, đứng trước dãy nhà ở khu tái định cư Hương Sơ. Nụ cười thường trực trên môi. Hôm đó, họ được chính quyền trao chìa khóa để tự tay mở cửa, bước vào ngôi nhà như mơ ước.

Từ túp lều xập xệ đến ngôi nhà kiên cố

Khuôn mặt buồn, nét âu lo của anh Thái Văn Bửu trong những lần trò chuyện với chúng tôi trước đây giờ đã không còn, thay vào đó là sự rạng rỡ, tươi vui. Người đàn ông vừa bước qua tuổi 36 nhưng một mình “gà trống nuôi con” giờ đã yên lòng khi ở trong ngôi nhà mới. Anh Bửu là một trong 25 hộ nghèo được nhận nhà theo diện “chìa khóa trao tay”. Có mặt ở khu tái định cư từ khá sớm, anh tay bồng, tay dắt 3 đưa con đứng trước ngôi nhà mà có lẽ cuộc đời mưu sinh lam lũ chưa từng dám mơ tới.

Ông Lê Văn Giây (86 tuổi) xúc động nhận chìa khóa ngôi nhà mới được Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trao tận tay. Ảnh: THÁI BÌNH

Đúng thời điểm này một năm về trước, trong chuyến thăm của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và lãnh đạo tỉnh đã dừng chân lại ngay ngôi nhà của anh Bửu ở một con dốc men theo Thượng Thành thuộc phường Thuận Lộc, TP. Huế. Nói là ngôi nhà, nhưng thực chất nó là một túp lều xập xệ cỡ chục mét vuông, xiêu vẹo, bên trong không có vật dụng gì giá trị. Cả đoàn bất ngờ khi chứng kiến hoàn cảnh một chàng trai trẻ công việc bấp bênh, cuộc sống không mấy thuận lợi. Đã thế vợ bỏ đi biền biệt, để lại 3 đứa con thơ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ân cần hỏi thăm, động viên và yêu cầu chính quyền phải có một quyết sách ưu tiên dành cho anh Bửu và những hộ nghèo khác trên Thượng Thành.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ sau chuyến đi đó đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế, chính sách cho những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có điều kiện xây nhà ở khu tái định cư. Đó là huy động nguồn hỗ trợ, xây dựng nhà theo dạng chìa khóa trao tay, đầy đủ tiện nghi, kinh phí trên dưới 200 triệu đồng. “Anh Bửu sẽ nằm trong danh sách đó. Chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa cho hoàn cảnh đặc biệt này”, ông Thọ nói chắc nịch vào thời điểm đó.

Sau hơn 6 tháng triển khai, những ngôi nhà đặc biệt ấy hoàn thành đúng tiến độ. Cầm trên tay chìa khóa ngôi nhà chính quyền giao, mắt anh Bửu ngân ngấn nước. Giờ đây anh không còn phải nơm nớp âu lo những ngày nắng gắt, hay những mùa mưa lạnh buốt giá tạt vào khiến mấy cha con tê tái. “Mọi thứ với tui như một giấc mơ. Tui chỉ biết nói hai chữ “cảm ơn”, anh Bửu trải lòng, nói tiếp: Người dân chúng tôi mang ơn chính quyền, mang ơn những tấm lòng luôn hỗ trợ để dân nghèo có thể di dời, đến với nơi ở mới một cách thuận tiện như thế”.

Đứng bên anh, cả 3 đứa con không tin đó là sự thật. “Nhà của mình hả ba? Có phải nhà của mình không ba? Có gác nữa ba tề. Đẹp quá!”, đứa con trai đầu chuẩn bị bước vào lớp 9 của anh Bửu cứ hỏi đi hỏi lại. Anh trả lời: “Đúng rồi đó con. Từ hôm ni mình dọn về đây”. Lũ trẻ ồ lên sung sướng.

Trọn vẹn lời hứa với dân

Cạnh nhà anh Bửu là một dãy nhà san liền kề, được xây theo mẫu dành cho những hộ nghèo đặc biệt trên diện tích đất 61m2. Mỗi nhà bao gồm 1 tầng và 1 gác lửng. Đi kèm với đó là hạ tầng điện, nước, cáp quang cũng được kéo đến tận nơi. Phía trước dãy nhà, hàng cây xanh mới trồng đang đâm chồi như chào đón những cư dân với tâm nguyện an cư lập nghiệp trên vùng đất mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trao gạo và muối cho hộ nghèo với mong muốn họ có cuộc sống sung túc trong căn nhà mới. Ảnh: THÁI BÌNH

Hôm người dân nhận chìa khóa vào nhà mới, hai vị khách đặc biệt là ông Lê Trường Lưu, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh có mặt từ rất sớm. Hai ông đã đích thân trao chìa khóa và dẫn người dân vào tham quan ngôi nhà của họ như đã từng hứa, rằng phải xây dựng, bàn giao nhà cho dân nghèo di dời từ Thượng Thành đúng thời hạn. Theo phong tục địa phương, hai vị khách đặc biệt đã dành tặng mỗi nhà một bao gạo và một bao muối trắng với mong ước bà con sẽ có cuộc sống no ấm, ăn nên làm ra, an lành trong ngôi nhà mới.

“Cuối đời ước mơ của tôi cũng đã thành hiện thực. Được sống trong một ngôi nhà ngăn nắp, kiên cố”, ông Lê Văn Giây dù đã 86 tuổi nhưng giọng nói rõ ràng, minh mẫn. Cầm chìa khóa trên tay, ông cười mãn nguyện lắm. Thi thoảng, lại lôi chìa khóa ra ngắm, rồi nắm tay vợ thật chặt.

Nhà ở của hộ nghèo được xây dựng khang trang. Ảnh: PHAN THÀNH

Hơn 40 năm sống tạm bợ trên đất di sản, ông cứ nghĩ, cuộc đời mình rồi sẽ cũng trôi qua lặng lẽ, như bao phận đời khác và chưa từng có suy nghĩ sẽ có một ngôi nhà kiên cố, ở một khu quy hoạch với đường sá chỉnh chu như thế. “Tôi cứ nghĩ mình sống rồi cũng sẽ chết trên đất Thượng Thành, và con cháu tôi sau này cũng không biết ngày nào mới rời khỏi đó. Nhưng suy nghĩ của tôi đã sai. Tôi vui khi cuối đời mình cũng có nơi ở tươm tất, vui hơn khi từ đây một cánh cửa mới sẽ mở ra với những đứa trẻ thế hệ sau mình”, ông Giây vui vẻ nói.

Những xóm nhỏ cheo leo, nép mình vào những mảnh tường dài cổ kính nơi Thượng Thành giờ đã là ký ức. Một cuộc sống tươi mới, sáng lạn hơn đang dần hiện hữu. Với người dân Thượng Thành, an cư không còn là giấc mơ mà đã là hiện thực.

PHAN THÀNH