Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà (ngoài cùng, bên trái) kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại huyện Phong Điền
Các hoạt động kinh tế - xã hội vẫn diễn ra trong “bình thường mới”. Du lịch vẫn mở cửa đón khách đến từ các địa phương không có dịch. Các khu công nghiệp vẫn sản xuất, các văn phòng doanh nghiệp vẫn mở cửa giao dịch, tất nhiên theo đúng quy định về phòng chống dịch. Cửa hiệu, quán ăn, tiệm tạp hóa... vẫn mở cửa bán hàng. Vì sao dịch bao vây cả hai phía mà Thừa Thiên Huế vẫn bình yên cho đến lúc này?
Do ít liên quan đến ổ dịch ở Đà Nẵng
Ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, các chuyên gia dịch tễ học đã đưa ra nhận định đầu tiên: do người dân Thừa Thiên Huế ít đến các ổ dịch ở Đà Nẵng. Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng và hai bệnh viện sát cạnh là Bệnh viện C, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng là ổ dịch của Đà Nẵng. Từ đó, mầm bệnh đã lây lan ra cộng đồng ở Đà Nẵng và các tỉnh. Các bệnh nhân đầu tiên của Quảng Nam, Quảng Ngãi đều lây nhiễm từ ổ bệnh này, do đến khám chữa bệnh, nuôi bệnh, thăm bệnh. Ca đầu tiên của Quảng Trị cũng bị lây nhiễm do đến thăm người thân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Do ở Huế đã có hệ thống y tế đủ các tuyến, nên từ lâu nay người dân Thừa Thiên Huế hầu như ít vào chữa bệnh ở Đà Nẵng. Vì vậy, cho đến nay, người Thừa Thiên Huế từ vùng dịch trở về, không thấy khai báo liên quan đến ổ dịch này.
Trong khi đó, theo ông Đức, người từ Quảng Trị vào Huế khám chữa bệnh hằng ngày, với số lượng rất đông. Ngay khi Quảng Trị phát hiện ca bệnh đầu tiên (ngày 10/8), các chốt kiểm tra đã được lập để kiểm soát chặt các cửa ngõ từ Quảng Trị. Người từ Quảng Trị vào Huế phải khai báo y tế và cách ly theo dõi. Bệnh nhân Quảng Trị và ngoại tỉnh có nhu cầu tái khám, điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế thì phải kết nối trực tuyến gặp bác sĩ để tư vấn, nếu thấy cần thiết thì mới đồng ý cho vào khám, chữa bệnh tại bệnh viện. Đồng thời, bệnh viện sẽ chuẩn bị các điều kiện về phòng chống dịch để đón tiếp bệnh nhân và cấp phép để họ qua được các chốt kiểm tra của tỉnh.
Lây lan theo đường du lịch: Virus chưa đủ tải lượng
Ngay sau khi Đà Nẵng xuất hiện bệnh nhân đầu tiên của đợt dịch này (BN419, công bố ngày 25/7), thì lần lượt Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh cũng đã phát hiện các ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nhiễm bệnh do đi du lịch ở Đà Nẵng trở về. Bộ Y tế đã xác định ổ dịch ở Đà Nẵng khởi phát vào đầu tháng 7. Đà Nẵng - Hội An - Huế đã trở thành một điểm đến - ba địa phương, nên du khách cả nước đi lại giữa ba nơi này tấp nập trong suốt tháng 7. Một số trong các du khách đó khi về đến nhà ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đã phát bệnh. Như vậy có khả năng mầm bệnh từ Đà Nẵng cũng đã theo đường du lịch lây lan ra Huế, nhưng vì sao đến nay vẫn chưa xuất hiện ca nhiễm nào?
Theo ông Hoàng Văn Đức, ca bệnh đầu tiên của Quảng Trị (BN749) là điển hình cho các trường hợp tương tự như thế này. Ngày 17/7, người này từ Quảng Trị vào Đà Nẵng thăm người nhà đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Ngày 18/7, đón xe ra Huế, đến làm răng tại Nha khoa Pháp Việt, sau đó cùng bạn ăn trưa tại một quán cơm. Sau khi người khách được xác định đã nhiễm bệnh, lực lượng chống dịch đã đã truy vết, cách ly và xét nghiệm PCR toàn bộ những người có liên quan. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm của những F1, nhất là những nhân viên trực tiếp khám răng cho BN749 đều âm tính; tính từ ngày tiếp xúc với BN749 đến nay đã hơn một tháng nhưng sức khỏe của các F1, F2 đều bình thường. Theo ông Đức, vào thời điểm BN749 đến Huế thì chỉ mới nhiễm virus và tải lượng của virus còn thấp nên chưa thể lây nhiễm. Du khách từ Đà Nẵng ra Huế, nếu có mang theo mầm bệnh, thì cũng trong tình trạng tương tự.
Phản ứng nhanh, kiểm soát chặt
Rất kịp thời, ngay sau khi Đà Nẵng và tiếp đó là Quảng Nam, Quảng Trị phát hiện ca dương tính thì Thừa Thiên Huế đã có biện pháp kiểm soát nguy cơ từ các địa phương có dịch này. Các chốt kiểm soát liên ngành được dựng lên ở tất cả các cửa ngõ vào Thừa Thiên Huế bằng đường bộ, đường sắt, đường không và đường thủy. Đồng thời, toàn bộ các thôn xóm, tổ dân phố trên toàn tỉnh tiến hành rà soát hết tất cả các đối tượng có đến hoặc tiếp xúc với người về từ vùng dịch trong tháng 7, để cách ly, xét nghiệm nhằm phát hiện kịp thời mầm bệnh trong cộng đồng. Gần 35.000 người có liên quan đến vùng dịch đã được rà soát và kiểm soát bằng xét nghiệm, cách ly, giám sát.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhận định rằng, đến lúc này mà Huế vẫn yên là nhờ không chủ quan. Dù đợt dịch đầu năm tạm lắng nhưng hệ thống phòng dịch vẫn ưu tiên duy trì, nên khi có dịch ở Đà Nẵng là hệ thống này phản ứng ngay để kịp thời kiểm soát chặt. Cả hệ thống chính trị cùng với hệ thống y tế vào cuộc quyết liệt. Và quan trọng nhất là tinh thần của người dân đã nâng cao, cả về ý thức lẫn cách thức phòng dịch. Người dân biết tự phòng dịch cho mình, tự giác khai báo y tế, và khai báo cả những đối tượng từ vùng dịch trở về trong khu phố, xóm làng mình.
“Chúng ta không chủ quan và cũng không cực đoan đóng chặt cửa, mà kiểm soát chặt vòng ngoài để nới lỏng bên trong, nhằm duy trì hoạt động kinh tế, sinh hoạt xã hội”, ông Thọ nói.
Minh Dân