Đại diện lãnh đạo Đại học Huế trao đổi với đối tác tại lễ khởi động dự án CDAE

Chủ trì, điều phối dự án quốc tế

Tháng 1/2020, những người quan tâm đến lĩnh vực HTQT không khỏi ấn tượng khi tên của ĐH Huế được đánh dấu sáng lên trên bản đồ điện tử ghi nhận các dự án Erasmus+ được trao quyền điều phối năm 2019 với Dự án CDAE-Phát triển chương trình đào tạo Nông nghiệp sinh thái (tại cuộc họp khởi động tổ chức tại Bỉ). Vừa qua, tin vui lại đến khi Cơ quan điều hành Giáo dục - Nghe nhìn - Văn hóa thuộc Ủy ban châu Âu thông báo tiếp tục chọn trao tài trợ năm 2020 cho Dự án CCP-Law (Phát triển chương trình đào tạo về chính sách và luật chống biến đổi khí hậu) thuộc quỹ Erasmus+.

Không quá khi nói thành công trên nằm ngoài sự mong đợi. Trong danh sách 100 cơ sở giáo dục ĐH trên toàn thế giới được trao tài trợ dự án năm 2020 (166 dự án được chọn ra từ gần 1.100 đơn dự tuyển), ĐH Huế là cơ sở đào tạo duy nhất của Việt Nam được chọn giao nhiệm vụ chủ trì dự án nâng cao năng lực (NCNL) giáo dục ĐH. Đặc biệt, với việc được cấp xấp xỉ 1 triệu Euro, ĐH Huế sẽ chủ trì toàn bộ hoạt động của dự án; điều hành 3 cơ sở giáo dục ĐH ở châu Âu và 6 cơ sở ở châu Á để thiết kế và đưa vào vận hành chương trình đào tạo thạc sĩ luật; triển khai trong 3 năm, từ 2020-2023.

Khởi động dự án CDAE tại Đại học Huế

TS. Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc ĐH Huế cho biết, trong suốt nhiều năm, vai trò điều phối các dự án NCNL do quỹ Erasmus+ tài trợ đều do các cơ sở giáo dục ĐH châu Âu thực hiện. Nhiều tổ chức, trường ĐH từ các nước khác như châu Á, đặc biệt là Việt Nam tham gia chỉ với tư cách vai trò thành viên. “Gần đây, chương trình đã ghi nhận từ 15-30% dự án được điều phối bởi các nước ngoài châu Âu, trong đó có châu Á. Song, không dễ để một cơ sở giáo dục ĐH được trao vai trò điều phối viên bởi khi dự đơn, rất nhiều tiêu chí được lấy làm căn cứ đánh giá. Đơn cử, năm 2019, Việt Nam chỉ có ĐH Huế và Trường ĐH Hà Nội có được vinh dự trên. Đến năm 2020, ĐH Huế là đơn vị duy nhất trong toàn quốc được quỹ Erasmus+ trao quyền chủ trì dự án NCNL”, TS. Đỗ Thị Xuân Dung phân tích.

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế, trong đó có cả lĩnh vực giáo dục. Trước đây, từng có những chặng đường, việc HTQT ở các cơ sở giáo dục ĐH chủ yếu tập trung vào đào tạo giáo viên, tham dự hội nghị, hội thảo… Tuy nhiên, xu hướng này đã dần thay đổi. Theo TS. Đỗ Thị Xuân Dung, tham gia dự án HTQT có nhiều lợi ích, bởi khi đã gia nhập vào mạng lưới của các tổ chức giáo dục ĐH trên toàn thế giới, cơ hội phát triển cho các cơ sở giáo dục tăng lên rất nhiều, nhất là khi chứng minh được uy tín, khả năng thì các đối tác sẵn sàng hợp tác và mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác. Với ĐH Huế, đó không chỉ là các dự án về NCNL mà còn là các dự án hợp tác trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, liên kết đào tạo, trao đổi giảng viên, sinh viên…

Đại học Huế khai trương Trung tâm Năng lực vì sự phát triển du lịch bền vững thuộc dự án TOURIST

Điều đáng mừng không kém là niềm tin về năng lực đảm nhận các dự án quốc tế của ĐH Huế đã dần được các đối tác, tổ chức quốc tế thừa nhận. Bà Claudia Linditsch (ĐH Joanneum, Áo), điều phối dự án TOURIST mà ĐH Huế là một thành viên từng thừa nhận: “Trong dự án TOURIST, ĐH Huế có vai trò điều phối quốc gia. Với sự chủ động, nhiệt tình, tiên phong và năng lực điều hành của ĐH Huế thì dự án đã có nhiều kết quả nổi bật. Năng lực đó được bạn bè thế giới nhìn nhận và rõ ràng ĐH Huế đủ sức để đảm nhận vai trò quan trọng trong tổ chức và điều phối các dự án HTQT lớn”.

Hướng đến mục tiêu lớn

Trên “sân chơi” quốc tế, vai trò điều phối dự án lớn có thể được xem là thước đo đánh giá năng lực, nhưng cũng đi kèm với không ít thách thức mà ĐH Huế phải vượt qua để khẳng định uy tín và vị thế trên trường quốc tế.

Một trong những chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ ĐH Huế nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra là tập trung phát triển hợp tác quốc tế phục vụ đào tạo và phát triển khoa học công nghệ. Đó cũng là nhiệm vụ gắn với Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển ĐH Huế trở thành ĐH Quốc gia.

Nhìn lại tiến trình HTQT, dù ghi dấu ấn từ nhiều hoạt động liên kết đào tạo, dự án nghiên cứu khoa học, dự án NCNL… thành công, nhưng ở góc độ chủ quan, theo TS. Đỗ Thị Xuân Dung, thì đội ngũ cán bộ làm hợp tác quốc tế của ĐH Huế và các đơn vị thành viên vẫn chưa hoàn toàn chuyên nghiệp và có tầm nhìn vĩ mô. Các đơn vị thành viên, trực thuộc làm hợp tác quốc tế đôi chỗ vẫn còn manh mún, tự phát, chưa phát huy sức mạnh tổng hợp của mái nhà chung ĐH Huế nên chưa tận dụng triệt để cơ hội này. Ngoài ra, hạn chế về năng lực và kinh nghiệm dự đơn, năng lực điều phối dự án quốc tế, chưa hình thành các nhóm nghiên cứu phát triển dự án… đã trở thành điểm thua thiệt khiến các quỹ, tổ chức lớn khó trao tài trợ hay điều phối dự án cho nhiều trường ĐH, tổ chức giáo dục của Việt Nam. Muốn gỡ bỏ rào cản đó, cần phải tiếp tục thay đổi quan niệm, cách nhìn về HTQT, về hội nhập; cần tích cực chia sẻ và liên kết mạnh hơn giữa các thực thể trong cùng một tổ chức như ĐH Huế.

Hiện, với vai trò chủ trì, điều phối các dự án lớn, trực tiếp làm việc các đối tác lớn của quốc tế, ĐH Huế dễ dàng nắm bắt và trao đổi kinh nghiệm, tri thức với các nước tiên tiến để không chỉ thực hiện các dự án phục vụ xã hội mà còn vận dụng NCNL về đào tạo, phát triển đội ngũ, tăng cường cơ sở vật chất…

Theo lãnh đạo ĐH Huế, từ những kinh nghiệm và cơ hội từ những dự án được trao quyền điều phối thời gian qua, ĐH Huế sẽ tiếp tục nhân rộng hợp tác, đồng thời lan tỏa kinh nghiệm đến các đơn vị thành viên, trực thuộc, qua đó tiếp tục đón nhận những cơ hội mới từ hội nhập quốc tế, đồng thời đưa ĐH Huế sớm trở thành ĐH Quốc gia theo định hướng nghiên cứu.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC