Nhân dân Thừa Thiên Huế tham gia giành chính quyền ngày 23/8/1945

Những ngày quật khởi

Những ngày tháng không quên của 75 năm trước vẫn còn hiển hiện trên từng trang tư liệu lịch sử. Đó là những trang báo chí cách mạng ra đời ngay trong thời điểm sôi động, đó là những trang hồi ký của những người trong cuộc khi nhắc nhớ về một thời oanh liệt.

Báo Quyết Chiến - cơ quan ủng hộ Chính quyền Nhân dân cách mạng ra tháng 8/1945, trên trang nhất đã đăng bài viết với tiêu đề: “Ủy ban Lâm thời Nhân dân cách mệnh Thừa Thiên thành lập: Sau một cuộc biểu tình khổng lồ chưa từng thấy ở Huế”. Quang cảnh ngày 23/8/1945 được báo tường thuật: “Mười lăm vạn người, số người đông gấp ba dân TP. Huế đã biểu tình hôm 23/8 tại Sân vận động để thành lập Chính quyền nhân dân cách mạng… Từ giữa trưa, khắp các ngả đường, từng đoàn từng đội mang cờ đỏ sao vàng lũ lượt kéo đến những khu vực đã định. Thành phố trở nên náo nhiệt phi thường”.

Một bài báo ngắn ra đời từ 75 năm trước, từng con chữ đã ố mờ theo thời gian, nhưng tinh thần của ngày quật khởi vẫn lay động, cuốn hút tâm trí bao người đọc hôm nay. Báo còn đăng Thông cáo của Ủy ban nhân dân Cách mạng Thừa Thiên kêu gọi: “Sự giải phóng cho dân tộc Việt Nam đã gần tới đích. Nhưng chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng và đoàn kết chặt chẽ dưới ngọn cờ đỏ sao vàng”.

Báo Quyết Chiến phát hành tháng 8/1945

Đồng chí Tố Hữu lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa ở Thừa Thiên Huế đã hồi tưởng: “Có lẽ trong lịch sử ở Thừa Thiên Huế, chưa có một ngày hội nào lớn và đẹp đến thế”. Hàng vạn người hô vang như sấm: “Việt Nam độc lập muôn năm. Chính quyền Nhân dân muôn năm”. Từng đoàn người đi qua các đường phố lớn ở Huế hát vang các bài ca cách mạng, tinh thần ngày quật khởi ấy đúng như bài thơ “Huế tháng Tám” của ông: “Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gãy/Hãy bay lên sông núi của ta rồi...”.

Trong cuốn hồi ký “Quê hương và cách mạng” của đồng chí Hoàng Anh, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí là Thường vụ Việt Minh tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng Lâm thời tỉnh Thừa Thiên. Sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, đồng chí làm Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Thừa Thiên. Những ngày tháng Tám đã được đồng chí hồi tưởng trong hồi ký của mình về quá trình tiếp nhận các cơ quan Nhà nước, công sở ở Huế. Cuộc chuyển giao diễn ra trong hòa bình, không bạo động, không đổ máu, tất cả đều sẵn sàng để bước sang một trang sử mới. Chúng ta cũng không bắt giữ một người nào trong Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim. Khi tiếp nhận nội khố của Chính phủ Trần Trọng Kim, chúng ta còn thu được 60 thùng bạc nén, mỗi thùng 60kg và hơn 50 vạn đồng tiền mặt (tiền Đông Dương).

Khởi nghĩa thành công, Chính phủ cử phái đoàn đến Huế để tiếp nhận ấn kiếm của vua Bảo Đại. Ngày 30/8/1945, Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến nhà Nguyễn tuyên chiếu thoái vị. Cách mạng tháng Tám ở Huế thành công, đồng thời góp phần to lớn vào thành công của Cách mạng tháng Tám trong cả nước

Tấm lòng của người dân Huế với Cách mạng

Cách mạng tháng Tám là cuộc cách mạng của lòng dân, lực lượng nòng cốt là Nhân dân. Để chuẩn bị cho khởi nghĩa, nhiều nhà khá giả ở các địa phương trong tỉnh đã ủng hộ lúa gạo, tiền bạc; nhiều thợ rèn tình nguyện rèn vũ khí (dao găm, giáo mác, đại đao, kiếm...).

Đêm 22/8/1945, trước giờ khởi nghĩa, Nhân dân TP. Huế và các huyện không ngủ. Mọi nhà nhộn nhịp may cờ, viết khẩu hiệu; tự vệ soát lại gươm giáo; trẻ con nô đùa; các cụ già đi lại thăm hỏi nhau và thúc giục con em chuẩn bị lên đường tham gia khởi nghĩa.

Ngày 28/8/1945, Chính phủ Trung ương cử phái đoàn vào Huế để tiếp nhận thoái vị của vua Bảo Đại. Suốt quãng đường dài hơn 40 cây số, từ cầu Mỹ Chánh vào Huế, tiếng hoan hô phái đoàn Chính phủ, tiếng hô các khẩu hiệu cách mạng đã vang lên không dứt, quần chúng đứng chật hai bên đường vẫy chào (theo Hồi ký “Quê hương và cách mạng” của đồng chí Hoàng Anh).

Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền mới được thành lập nhưng phải đứng trước muôn vàn khó khăn: chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Nhân dân Thừa Thiên Huế đã một lòng ủng hộ cho cách mạng.

Về tài chính, “Tuần lễ đồng”, “Tuần lễ vàng” mở ra. Chỉ trên dưới một tuần lễ, với sự nhiệt tình của quần chúng, TP. Huế đã thu được 945 lượng vàng, ba huyện phía bắc đóng góp 10kg vàng, huyện Phú Vang 25 lượng, thôn Cự Lại (Phú Vang) đóng góp trên 5 tạ đồng.

Về diệt giặc dốt, Nhân dân tích cực ngày công tác, tăng gia sản xuất, đêm học đọc, học viết, học tính. Gần như đâu đâu cũng có lớp học; già, trẻ, gái, trai đều nô nức đến lớp bình dân. Về diệt giặc đói, Nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, không chỉ góp gạo cứu đói trong tỉnh mà còn gửi ra ủng hộ miền Bắc. Tấm lòng của Nhân dân Thừa Thiên Huế với cách mạng chính là điểm tựa để Đảng bộ Thừa Thiên Huế lãnh đạo toàn dân hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc.

Bài: HOÀNG LIÊN - Ảnh: TL