Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị thượng đỉnh ASEAN. (Nguồn: TTXVN)

VietnamPlus xin giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Vijay Sakhuja, đăng trên trang mạng của Quỹ nghiên cứu quốc tế Peninsula Foundation.

Đại dịch COVID-19 làm gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn đến suy thoái kinh tế đối với các nền kinh tế lớn. Cộng thêm vào đấy là bất ổn chiến lược tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nổi bật là căng thẳng tăng cao giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông.

Tuy nhiên, lịch trình theo cam kết của ASEAN với các nước đối tác vẫn khá dày đặc. Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò đứng dầu tổ chức một cách khôn ngoan và khéo léo, duy trì động lực trong thực hiện sứ mệnh của ASEAN thông qua các cuộc hội nghị và đối thoại.

Trong sáu tháng đầu năm, ASEAN đã có 26 cuộc họp và hầu hết được tổ chức theo hình thức trực tuyến, thể hiện mức độ cam kết cao của tổ chức dưới vai trò Chủ tịch của Việt Nam.

Ngày 16/6/2020, tại Hội nghị Uỷ ban Hợp tác chung ASEAN-Ấn Độ lần thứ 20, tổ chức theo hình thức trực tuyến, Ấn Độ và ASEAN đã “tái khẳng định cam kết tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai bên.”

Hai bên ghi nhận những thành quả đã đạt được trong thực hiện Kế hoạch Hành động ASEAN-Ấn Độ (2016-2020) và “chia sẻ cam kết hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch Hành động mới cho giai đoạn 2021-2025 nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược trong 05 năm tới.”

Một tháng sau, Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng SOM Ấn Độ đã tham gia Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN-Ấn Độ (SOM) lần thứ 22, biểu dương vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt nam. Cả hai bên “đồng ý tiếp tục hỗ trợ công dân lẫn nhau bị ảnh hưởng do sự lây lan của virus corona;” cung cấp cho “các nước ASEAN thông tin chi tiết về Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khởi xướng tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 16 hồi năm 2019;” hoan nghênh việc “ASEAN phát huy vai trò trong thúc đẩy hợp tác, đối thoại và xây dựng lòng tin ở khu vực;” đồng thời chuyển tải sự ủng hộ của Ấn Độ đối với “nỗ lực thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) trên biển hiệu quả, có hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.”

Đại dịch COVID-19

Ấn Độ và ASEAN đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19. Có nhiều bằng chứng cho thấy cả hai bên đều có ý định cùng nhau đối phó với đại dịch. Thủ tướng Modi đã điện đàm cùng các nhà lãnh đạo Indonesia, Myanmar, Thái Lan, Singapore và Việt Nam, đảm bảo sự ủng hộ của Ấn Độ với các nước thành viên ASEAN.

Tương tự, Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla cũng có các cuộc điện đàm hàng tuần với những người đồng cấp Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Việt Nam để chia sẻ các ý tưởng và cách ứng dụng tốt nhất nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Đây là thời cơ để các lãnh đạo y tế tại Ấn Độ và ASEAN thiết lập một nền tảng điều khiển ảo về “Hội nghị Phát triển Y tế Ấn Độ - ASEAN” mà có thể góp phần vào “mạng lưới Trung tâm Điều hành Khẩn cấp ASEAN (EOC), Trung tâm Đánh giá và Trao đổi thông tin về rủi ro ASEAN, Trung tâm ảo BioDiaspora ASEAN (ABVC) và Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai (AHA) để ứng phó với các vấn đề y tế khẩn cấp trong tương lai.”

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Bàn tròn Mạng lưới Học giả ASEAN-Ấn Độ (AINTT) lần thứ 6, Ngoại trưởng Ấn Độ, Tiến sỹ S Jayashankar đã khẳng định “tác động của virus corona nằm ngoài sức tưởng tượng của chúc ta. Thiệt hại ước tính rơi vào khoảng 5,8-8,8 nghìn tỷ USD, hoặc xấp xỉ 6,5-9,7% GDP toàn cầu.”

Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP)

Ấn Độ đã nhận thức được tầm quan trọng của Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) và cam kết “tìm kiếm sự hợp tác trong các lĩnh vực chính được nêu trong AOIP, bao gồm hợp tác hàng hải, kết nối, phát triển bền vững và hợp tác kinh tế nhằm góp phần duy trì hoà bình, tự do và thịnh vượng trong khu vực.”

Tương tự, ASEAN cũng hoan nghênh các nỗ lực tích hợp trong những lĩnh vực khác nhau và thúc đẩy khuôn khổ khu vực theo Chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ và SAGAR (An ninh và tăng trưởng cho tất cả quốc gia trong khu vực). Mặc dù y tế và đại dịch không thuộc nội hàm AOIP và SAGAR, song chắc chắn có thuộc một chuyên đề lớn hơn bao hàm hai vấn đề đó.

Ngày 4/11/2019, Thủ tướng Narendra Modi đã khởi xướng Sáng kiến Đại dương Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPOI) tại Hội nghị cấp cao Đông Á tại Băng Cốc, Thái Lan. Đây là “một sáng kiến toàn cầu mở,” “dựa trên cấu trúc và cơ chế hợp tác khu vực để xác định 07 trụ cột trung tâm là an ninh hàng hải, sinh thái hàng hải, tài nguyên hàng hải, nâng cao năng lực và chia sẻ tài nguyên, giảm thiểu và quản lý rủi ro thiên tai, khoa học công nghệ và hợp tác học thuật, kết nối thương mại và vận tải hàng hải.”

Hợp tác, đối thoại và xây dựng niềm tin

Ấn Độ cam kết đóng góp tích cực vào các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM-Plus). Ấn Độ tin tưởng vào “pháp quyền” và tin rằng COC là giải pháp hợp lý nhằm giảm thiểu căng thẳng trên Biển Đông. Ngoại trưởng Ấn Độ tuyên bố Ấn Độ đã phối hợp với Việt Nam và “Việt Nam đang xử lý các vấn đề liên quan COC và đó là cách nên làm.”

Cuối cùng, Ấn Độ cho rằng “khi chúng ta đã giải quyết xong đại dịch này, chúng ta phải làm rõ một sự thật. Thế giới sẽ không bao giờ giống như trước đây. Điều này đồng nghĩa với những tư duy, ý tưởng mới, hoài mong nhiều hơn và cởi mở hơn. Chúng ta cần vượt qua các chuẩn mực thông thường, dù trong lĩnh vực thương mại, chính trị hay an ninh. Đó là những lĩnh vực thảo luận chính của chúng ta và tôi chắc chắn ngày hôm nay quý vị sẽ có một cuộc thảo luận hiệu quả.”

Sẽ rất hữu ích nếu ASEAN và Ấn Độ khám phá ra những điểm chung, tương đồng trong Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) và Sáng kiến Đại dương Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPOI). Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam có cơ hội hiếm có để tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hơn nữa và củng cố quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ.

Theo Vietnam+