Thế giới đảm bảo sẽ phân bố đầy đủ và công bằng vaccine COVID-19 cho những ai cần chúng. Ảnh minh họa: TTXVN/Vietnam+

Giám đốc điều hành của Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng GAVI Seth Berkley cho biết, kế hoạch phối hợp được gọi là COVAX hiện đã có sự ký kết tham gia của Nhật Bản, Đức, Na Uy và hơn 70 quốc gia khác. Trong đó, tất cả các nước đều đồng ý về nguyên tắc chung để mua vaccine thông qua cơ sở của họ.

Trả lời báo giới, Giám đốc Seth Berkly chia sẻ: “Hiện tại chúng tôi đã ghi nhận 76 quốc gia có thu nhập từ trung bình đến cao đã gửi xác nhận tham gia COVAX và chúng tôi hi vọng con số này sẽ tăng lên. Đây là một tin tốt. Nó cho thấy rằng kế hoạch hợp tác này đang thu hút sự quan tâm của toàn thế giới như những gì mà chúng tôi đã kỳ vọng”.

Trong một diễn biến khác có liên quan, lãnh đạo các nước tham gia kế hoạch COVAX cho rằng chiến dịch này sẽ dẫn đến việc giảm chi phí vaccine cho tất cả mọi người và chấm dứt đại dịch đã cướp đi mạng sống của khoảng 860.000 người trên toàn cầu.

Các quốc gia giàu có tham gia COVAX sẽ tài trợ cho việc mua vaccine từ ngân sách quốc gia, đồng thời cũng sẽ hợp tác với 92 nước nghèo hơn để hỗ trợ cho các nước này thông qua các khoản đóng góp tự nguyện cho kế hoạch để đảm bảo vaccine được phân phối công bằng. Ngoài ra, những nước giàu tham gia kế hoạch này cũng được tự do mua vaccine thông qua những thỏa thuận song phương và nhiều kế hoạch khác.

Tính đến 7h06p ngày 3/9 theo giờ Việt Nam, trên thế giới có tổng cộng hơn 26 triệu người nhiễm COVID-19. Trong đó ghi nhận 866.532 ca tử vong và gần 18,5 triệu người đã bình phục.

Diễn biến dịch bệnh ở các nước tương đối khác nhau. Cụ thể, lần đầu tiên kể từ tháng 5/2020, số ca tử vong vì COVID-19 ở Brazil đang có dấu hiệu giảm dần. Với gần 4 triệu ca nhiễm, đại dịch đã cướp đi mạng sống của hơn 120.000 người ở Brazil. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong trung bình đã giảm xuống dưới 900 người/ngày ghi nhận vào tuần trước, đánh dấu mức thấp nhất trong 3 tháng rưỡi, ít hơn cả số liệu của Mỹ và Ấn Độ.

Trong khi đó, bất chấp các cuộc biểu tình chống COVID-19 vẫn đang diễn ra, phần lớn trong tổng số 2.000 người tham gia khảo sát bày tỏ họ rất hài lòng với phản ứng của chính phủ Đức trong kiểm soát đại dịch.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca mới đây nhận định rằng quốc gia này đang chứng kiến đỉnh dịch lần thứ hai, do những bất cẩn trong quản lý các sự kiện đông người như đám cưới... Đến ngày 3/9, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận 237.301 ca nhiễm COVID-19, 6.462 ca tử vong và hơn 246.000 trường hợp đã bình phục.

Tương tự, ở Cuba, chính phủ nước này cũng áp đặt lệnh giới nghiêm ở Havana vào lúc 19h00 để nỗ lực ngăn chặn tình hình dịch bệnh lây lan rộng hơn...

Đan Lê (Lược dịch từ CNA & Worldmeters)