Ẩm thực Huế không chỉ ngon miệng mà còn đẹp mắt

Hiện, các cơ quan liên quan trong tỉnh đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Bộ hồ sơ “Ẩm thực Huế” để trình UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đó là công việc cần làm, phải làm, bởi ẩm thực Huế đã đến lúc được tôn vinh. Xét về các cứ liệu, tài liệu lịch sử, ẩm thực Huế luôn được giới chuyên môn, các nhà quản lý công nhận thể hiện tính tiêu biểu của vùng đất, là kết tinh của chiều dài lịch sử được thăng hoa không chỉ của Huế mà cả đất nước Việt Nam. Đặc biệt, vào thời điểm là kinh đô của triều đại phong kiến cuối cùng Việt Nam, Huế là nơi mà những của ngon, vật lạ được tiến cung, đã làm phong phú và bồi đắp thêm cho Huế là “Kinh đô của ẩm thực”.

Vinh danh ẩm thực bây giờ thêm thuận lợi, khi hiện nay, Huế vẫn còn những nghệ nhân, những thế hệ con cháu của dòng dõi vua chúa ngày xưa. Họ nay đã lớn tuổi, có người đã gần trăm tuổi, là minh chứng sống và giữ hồn cốt cho ẩm thực Huế, giúp quá trình thẩm định hồ sơ càng dễ đạt kết quả.

Điều này càng cần thiết đối với Huế, khi đang trong quá trình tập trung nguồn lực để hình thành thương hiệu du lịch “Kinh đô ẩm thực”. Muốn hay không muốn, sự cạnh tranh về thương hiệu là điều đã, đang và sẽ xảy ra. Huế không làm, sẽ có địa phương khác làm. Còn nhớ, lễ hội áo dài bắt nguồn từ Festival Huế, trở thành thương hiệu, nhưng qua nhiều năm, Huế không làm các thủ tục để biến nó thành biểu trưng, nên các địa phương khác đã đăng ký bản quyền. Dĩ nhiên, chúng ta mất đi thương hiệu mà lẽ ra đó là của Huế.

Nhưng, mối lo đang được chỉ ra là nếu làm không bài bản, đồng bộ, rất dễ đi theo quy trình ngược. Những cứ liệu để chứng minh ẩm thực Huế là đa dạng, là tiêu biểu đã có, song giá trị ẩm thực đã thật sự phát huy đúng thế mạnh?

Nhìn lại thực tế, những yếu tố cơ bản như chuỗi nhà hàng đẳng cấp, phục vụ theo đúng cung cách cung đình xưa; đến chuỗi nhà hàng có thể thưởng thực ẩm thực cung đình có những biến tấu, giá thành phù hợp với nhiều dòng khách; chuỗi các nhà hàng món ăn dân dã đặc trưng, đến khu chợ ẩm thực đường phố sôi động… ở Huế đều chưa có, hoặc có cũng chưa có tính hệ thống.

Xét về mặt phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam từng góp ý, phải có đầu tư, xây dựng các quy trình chế biến các sản phẩm ẩm thực; có lộ trình quảng bá, tuyên truyền giới thiệu ẩm thực; có những nơi để giới thiệu được ẩm thực đến với du khách; có hệ thống đầu bếp và những người làm dịch vụ ẩm thực để phục vụ khách chu đáo nhất và đặc biệt là có không gian thưởng thức đạt chuẩn.

Ẩm thực khác với nghệ thuật, văn hóa phi vật thể, đó là những gì nếm được bằng vị giác, ngon và không ngon ai cũng có thể cảm nhận được. Thế nên, Huế cần triển khai đồng bộ hai nhiệm vụ: xây dựng bộ hồ sơ là điều kiện cần và hình thành không gian ẩm thực từ cung đình, ẩm thực chay, đến dân dã, đường phố là điều kiện đủ. Qua đó giúp du khách đến Huế có thể hòa vào các không gian đó và công nhận Huế là “Kinh đô của ẩm thực Việt Nam”.

Ẩm thực là thực thể mà không thể bảo tàng hóa và để trong tủ kính để trưng bày, ngắm nghía mà phải là sản phẩm du lịch, là cách để chinh phục du khách đến Huế qua con đường “dạ dày”.

Bài, ảnh: Quang Sang