ATM gạo là sự cưu mang, tinh thần tương trợ của người dân Việt với nhau trong thiên tai địch họa

Truyền thông quốc tế ở những bài viết nói về sự thành công trong phòng chống dịch của Việt Nam luôn đề cập đến sự đoàn kết, tinh thần yêu nước của người dân.

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, câu này áp dụng với người Việt Nam trong lúc chung tay chống dịch, không sai một phân. Ngày Chỉ thị 16 của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực, người dân quê tôi-nơi mật độ dân cư không đông đúc như phố thị vẫn thực hiện răm rắp.

Ở đây, chúng ta có thể hiểu vấn đề này theo hai ý: Họ sợ bị phạt hoặc sợ dịch bệnh. 200 ngàn đồng là mức phạt mà nhà chức trách áp dụng với những hành vi không mang khẩu trang khi ra khỏi nhà trong lúc dịch bệnh phức tạp. 200 ngàn đồng là số tiền lớn, nó là công sức làm thuê một ngày cật lực. Nhưng, không phải bất cứ lúc nào, địa điểm nào nhà chức trách cũng có mặt và xử phạt được nên việc người dân không thực hiện đôi khi vẫn có thể xảy ra. Ở những khu vực đó, không vì sự khuất mắt mà người dân bỏ qua khuyến cáo của chính quyền.

Tôi thiên về ý “họ sợ dịch bệnh” nhiều hơn. Họ muốn bảo vệ cá nhân và cộng đồng. Họ muốn chung sức đẩy lùi dịch bệnh nhanh chóng qua đi.

“Sorry for the inconvenience” (Xin lỗi vì sự bất tiện này), tờ giấy A4 ghi dòng chữ rồi dán lên tấm bìa carton, treo trước cửa một nhà hàng trên phố đi bộ trong đợt dịch đầu tiên. Một vài vị khách đi qua, đọc tấm bảng rồi lướt đi.

Tấm bảng xuất hiện khi phố đi bộ có ca nhiễm COVID-19. Lúc đó, Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội chưa áp dụng. Một số nhà hàng, quán sá tự đóng cửa trước lệnh, dù tiền thuê mặt bằng ở khu vực này không phải thấp.

Nhiều người nói rằng, “giờ mở cửa cũng có khách, nhưng lỡ có gì thì khổ”. Những lý giải tiếp tục được đưa ra “khống chế được dịch kinh doanh tiếp sẽ khỏe hơn chứ giờ cứ làm trong lo sợ rất mệt”. Họ nghĩ vậy rồi tự đóng quán, cho nhân viên nghỉ việc, treo biển mong tìm sự thông cảm từ khách hàng.

Ngăn cách nhưng không ngăn lòng. Khi những rào chắn được dựng lên phong tỏa một khu phố, một cụm dân cư với bên ngoài, những tấm lòng, sự chân tình của người dân lại mở ra. Những ngày dịch tràn đến, sự chung tay cùng tinh thần đoàn kết của dân Việt là một nguồn lực quý báu chung sức đẩy lùi dịch bệnh.

Những chiếc xe chở hàng từ thiện tiếp viện cho tuyến đầu chống dịch, cho những cư dân mắc kẹt lại trong “tâm bão”. Những hành động giúp đồng bào đi qua hoạn nạn: ATM gạo, ATM khẩu trang, nấu cơm miễn phí, phát nước, viết đơn tình nguyện vào tâm dịch, những siêu thị “0 đồng”. Những bà mẹ lưng còng sát đất mang theo con gà, bó rau trong vườn ra ủy ban xã ủng hộ tuyến đầu chống dịch…

Sự ủng hộ tuy là ít ỏi nhưng nó góp sức đẩy lùi dịch bệnh. Dân mình, từ bao đời nay vẫn vậy, những lúc thiên tai địch họa là khi mà tinh thần đoàn kết, tương thân tương ai được đẩy lên cao nhất. Họ sẵn sàng “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” để cùng nhau vượt qua hoạn nạn. Thường nhật một số vẫn hay ngoa nguýt nhau, nhưng khi hoạn nạn họ lại cùng hướng về một phía, họ gạt qua những hiềm khích để cùng chia sẻ cho nhau.

“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi…”, đoạn trích này là sự đúc kết về tinh thần yêu nước của dân tộc ta từ hàng ngàn năm trước cho đến lúc chiến tranh để rồi ngay bây giờ, khi thiên tai, địch họa thì tính thời sự của nó vẫn còn vẹn nguyên.

Bài, ảnh: Nguyễn Đắc Thành