Trẻ em trong một trại tị nạn ở Syria. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Phân tích do Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) biên soạn đã sử dụng dữ liệu từ Liên Hiệp Quốc và các nguồn khác để đánh giá 8 mối đe dọa sinh thái và dự báo những quốc gia và khu vực nào gặp rủi ro nhất. Với dự báo dân số thế giới sẽ tăng lên gần 10 tỷ người đến năm 2050, làm gia tăng sự tranh giành tài nguyên và thúc đẩy xung đột, nghiên cứu cho thấy, có thể có tới 1,2 tỷ người sống ở các khu vực dễ bị tổn thương ở châu Phi cận Sahara, Trung Á và Trung Đông buộc phải di dời vào năm 2050. Trước vào năm 2019, các yếu tố sinh thái và xung đột đã dẫn đến việc di dời của khoảng 30 triệu người.

Ông Steve Killelea, nhà sáng lập IEP nhận định: “Điều này sẽ có những tác động xã hội và chính trị to lớn, không chỉ ở các quốc gia đang phát triển, mà còn ở những quốc gia phát triển, bởi sự di dời ồ ạt sẽ dẫn đến dòng người tị nạn lớn hơn đổ xô đến các quốc gia phát triển nhất”.

Trong đó, nghiên cứu phân loại các mối đe dọa thành 2 nhóm lớn: mất an ninh lương thực, khan hiếm nước và gia tăng dân số thành một nhóm; và nhóm còn lại bao gồm các thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, hạn hán, lốc xoáy, mực nước biển dâng cao và nhiệt độ tăng. Kết quả nghiên cứu là một phân tích đánh giá có bao nhiêu mối đe dọa mà mỗi quốc gia trong số khoảng 150 quốc gia phải đối mặt. Trong khi một số quốc gia, chẳng hạn như Ấn Độ và Trung Quốc, đối mặt với đe dọa lớn nhất bởi tình trạng khan hiếm nước trong những thập kỷ tới; những quốc gia khác như Pakistan, Iran, Mozambique, Kenya và Madagascar phải đối mặt với sự kết hợp của các mối đe dọa, cũng như khả năng đối phó với chúng giảm dần.

Ông Steve Killelea lưu ý thêm, thế giới hiện có ít hơn 60% nước ngọt so với 50 năm trước; trong khi đó, nhu cầu về thực phẩm được dự báo sẽ tăng 50% trong 30 năm tới.

THANH NGÂN

(Lược dịch từ Reuters)