Thí sinh trúng tuyển theo diện ưu tiên xét tuyển thẳng làm thủ tục nhập học vào Trường ĐH Kinh tế

Điểm chuẩn dự báo sẽ tăng

Xét trên phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay, TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế cho rằng, phổ điểm trung bình tăng từ 1 – 2 điểm so với năm ngoái nên nhiều khả năng điểm chuẩn của một số ngành dự kiến có thể sẽ tăng ở mức từ 1 – 2 điểm.

Theo đại diện Hội đồng Tuyển sinh ĐH Huế, để tính toán mức điểm chuẩn chính xác, còn phải dựa trên lượng thí sinh đăng ký xét tuyển cùng nhiều yếu tố khác, song thông thường, với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi, mặt bằng điểm thi tăng dễ kéo theo điểm chuẩn sẽ tăng. Tuy nhiên, mức độ tăng điểm tùy thuộc vào ngành và sức hút thí sinh ở từng ngành. “Không phải tất cả các ngành đều tăng điểm chuẩn mà dự báo có thể điểm chuẩn sẽ tăng ở một số ngành. Có ngành tăng 0,5 – 1 điểm, cũng có ngành điểm chuẩn tăng mạnh hơn. Phải có dữ liệu chính thức sau khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng mới có thể đánh giá chính xác”, TS. Nguyễn Công Hào phân tích.

ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế - người có nhiều kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh cho rằng, đối với một số ngành ở Trường ĐH Ngoại ngữ, khả năng có thể tăng từ 2 - 4 điểm. Những ngành tăng mạnh là những ngành thuộc “top trên”; trái lại, với những ngành thường có mức điểm ngang sàn, sức hút thí sinh thấp, khả năng năm nay sẽ không tăng điểm chuẩn hoặc chỉ tăng nhẹ về mặt điểm chuẩn. “Năm nay, trường dành chỉ tiêu khá lớn để xét học bạ, đã thu hút một lượng thí sinh khá đông, vì vậy đối với phương thức dựa vào kết quả thi, dự kiến một số ngành sẽ tăng điểm chuẩn, phù hợp với phổ điểm thi tăng”, ThS. Phan Thanh Tiến cho biết thêm.

PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế đánh giá, với tình hình mặt bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 tăng, trường dự kiến sẽ “nâng sàn”, tăng điểm chuẩn ở một số ngành thế mạnh, trong có ngành công nghệ thông tin. Việc tăng điểm sẽ được xem xét rất kỹ.

Thí sinh đừng quá vội vàng

Theo các chuyên gia trong công tác tuyển sinh, dự kiến từ 2/10 đến 17 giờ ngày 4/10, các trường thực hiện quy trình xét tuyển đợt 1 và sẽ công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 (điểm chuẩn) trước ngày 5/10. Từ thời điểm hiện tại đến khi công bố điểm chuẩn, còn phải trải qua nhiều giai đoạn, công đoạn chuyên môn trong tuyển sinh, vì thế điểm chuẩn dự kiến mà một số trường đưa ra chỉ ở mức dự báo.

Sau khi phổ điểm thi tốt nghiệp THPT được công bố, nhiều thí sinh thấy điểm tăng nên lo lắng, sốt ruột, muốn điều chỉnh nguyện vọng. Trái lại, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu thí sinh quá nôn nóng, vội vàng sẽ dễ dẫn đến những sai sót đáng tiếc.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thay đổi về thời gian điều chỉnh nguyện vọng, lùi thời gian so với dự kiến ban đầu. Theo đó, kế hoạch mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra là thí sinh xét tuyển vào ĐH, cao đẳng sẽ điều chỉnh nguyện vọng từ ngày 19 – 25/9 bằng hình thức trực tuyến và từ ngày 19 – 27/9 bằng phiếu đăng ký xét tuyển.

TS. Nguyễn Công Hào phân tích, dữ liệu hiện tại mà các trường có chưa thực sự chính xác, bởi sau khi thí sinh “chốt” nguyện vọng, đó mới là dữ liệu chính thức, tức là sau ngày 27/9, các trường mới có thể có dữ liệu thí sinh đăng ký xét tuyển để tính toán, nghiên cứu đưa ra điểm chuẩn. “Vấn đề này đồng nghĩa, thí sinh đừng thấy phổ điểm tăng đã vội vàng điều chỉnh nguyện vọng. Dựa trên phổ điểm tăng, thí sinh nên xem lại điểm thi tốt nghiệp THPT của bản thân, rồi so sánh với điểm chuẩn, phổ điểm năm ngoái của ngành mình yêu thích. Điều quan trọng phải xem xét dựa trên tổ hợp môn xét tuyển (thường là 3 môn như khối thi) để đối chiếu, tính toán khả năng đỗ. Thí sinh đừng vội vàng điều chỉnh nguyện vọng khi đã lựa chọn được ngành, trường yêu thích và khả năng vẫn đủ điểm đậu”, TS. Nguyễn Công Hào đưa ra lời khuyên với thí sinh.

Theo PGS.TS. Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế, dự kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) với ngành sức khỏe và sư phạm trước ngày 17/9, sau đó các trường dựa vào lượng thí sinh đăng ký xét tuyển mới có thể tính toán điểm chuẩn. Thí sinh cũng cần nghiên cứu mức điểm sàn mà Bộ công bố, xem đó như một trong những cơ sở để cân nhắc việc nên hay không nên điều chỉnh nguyện vọng.

Bài, ảnh: Hữu Phúc