Bể bơi xanh mát

Bước qua cánh cổng bằng gỗ là cả một “khu rừng” xanh mát. Tôi gọi là khu rừng vì nó quá rộng. Từ chỗ check-in đến phòng phải đi vòng qua 2 con đường, tất nhiên là rất xanh mát dưới những tán cây. Rồi từ phòng nghỉ ra khu ẩm thực, nhà hàng cũng đi bộ thêm mấy vòng nữa, lại có lúc xuống dốc, lúc lên dốc giống như đi trên những cung đường ngoằn ngoèo ở A Lưới, chỉ khác là ở đây có những căn villa xinh xinh nép mình dưới những hàng cây cối được cắt tỉa gọn gàng.

Phòng ốc thì sạch sẽ, sang trọng. Nội thất được bày biện tinh tế. Lũ nhóc nhà tôi chỉ chực chờ trời dịu nắng là lao xuống bể bơi. Ở đây, có 4 bể bơi, gồm 3 lớn, một nhỏ dành cho các lứa tuổi tương ứng. Ở bể bơi nào cũng luôn có hai ba nhân viên cứu hộ và sẵn sàng áo phao. Điều tụi nhỏ thích nhất là được bơi thoải mái, không phải giới hạn giờ giấc như khi được mẹ cho bơi theo giờ của các điểm dịch vụ. Hơn nữa, bể bơi rất rộng, người lớn có thể bơi thoả thích. Đến tối, khi hết khách, tôi thấy nhân viên treo biển xử lý nguồn nước ở bể bơi để đón khách buổi sáng. Thế nên, chúng tôi rất yên tâm khi hẹn đồng hồ 5 giờ sáng cho suất bơi đầu tiên, mát mẻ, ít người, lại sạch sẽ.

Du lịch gần nhà có cái hay ở chỗ, không cần phải lăn tăn lo lắng quên mang món này, thứ kia, vì mình đã quá thuộc địa bàn, chỉ cần đi vài phút là có. Thế nên, nếu bạn muốn ăn buổi tối bên ngoài, sẽ không khó để có món ăn vừa ý, nhà hàng thân thuộc. Gia đình tôi chọn ăn tại chỗ để được trải nghiệm cảm giác ngồi giữa núi đồi xanh mát khi chọn một góc bàn kê sát bên sườn đồi, dọc con đường nối hai dãy villa theo hình bậc thang.

Cơm hến được Khu du lịch Làng Hành Hương thêm vào thực đơn buffett sáng

Thức ăn cũng đa dạng lắm. Gần như các món Huế đều có trong thực đơn, nào là bánh bèo, nậm lọc, bún mắm nêm, nem lụi, cơm trắng, canh hến, thịt luộc tôm chua... chỉ có điều giá không rẻ chút nào, tầm từ 200-300 ngàn đồng/món, dành cho 1 người. Tuy nhiên bạn cũng có lựa chọn khác phù hợp hơn là đặt ăn theo set (tầm 5 món), với mức giá 250 ngàn đồng/người. Thức uống so với giá thị trường tương đối chấp nhận được, 20 ngàn đồng/đơn vị uống thông thường như nước ngọt, bia huda.

Thích nhất vẫn là buffett sáng với rất nhiều món Huế, trong đó có cơm hến rất chuẩn vị. Một nhân viên cho biết, họ đã thay đổi thực đơn để phục vụ khách nội địa và nhất là nội tỉnh kể từ sau khi dịch bùng phát trở lại. Thế nên, không khó để giải thích với con gái là tại sao lần nào đi du lịch cũng nghe toàn tiếng Bắc, tiếng Nam mà lần này chỉ nghe toàn tiếng Huế trong buổi buffett sáng và bãi đỗ xe chật kín phía trước đường Minh Mạng chỉ toàn biển số 75 cả ô tô và không ít xe máy.

Một điều hiển nhiên là người Huế đã chọn Huế để du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần - điều mà gần như chưa từng xảy ra trước đây. Đại dịch có những tác động tiêu cực lên nền kinh tế đó là điều chắc chắn, song nó cũng đem lại không ít cơ hội, nhất là cho các gia đình trẻ được nghỉ dưỡng ở những khu du lịch 5 sao, khi giá dịch vụ giảm hơn một nửa. Mặt khác, đây cũng là thời điểm để các doanh nghiệp du lịch có những điều chỉnh hợp lý, ứng phó với khó khăn, cũng là cách để tri ân người dân địa phương ở địa bàn mà họ dừng chân. Đó có lẽ cũng là lý do mà gần như những khu du lịch 5 sao như Laguna, Venada,... full (kín phòng) dịp cuối tuần vừa rồi và cả tuần sắp tới khi mà chúng tôi lập team cho ngày nghỉ “sang chảnh” cuối hè nhưng đành phải lỡ hẹn do không kịp nhanh tay đặt phòng sớm.

Có vẻ như “Người Huế đã bắt đầu đi du lịch Huế”.

Bài, ảnh: HỒNG TÂM