Áo dài nam xưa
Giá trị văn hóa truyền thống thì khỏi bàn cãi. Còn gu thời trang thì luôn luôn có sự thay đổi. Áo dài nữ được trở lại và thịnh hành từ đầu thập niên 1990 khởi đầu ngay tại Huế. Chính xác là từ đầu năm học 1989-1990 khi có quy định cô giáo lên lớp trong trang phục áo dài, và đồng phục áo dài trắng của nữ sinh trung học khi đến trường của Sở Giáo dục. Ban đầu, khi tin từ trong sở mới loan ra cũng đã gặp không ít ý kiến phản ứng. Nhưng chỉ trong vòng vài tháng đã đạt được sự đồng thuận cao không chỉ có ở trong môi trường học đường.
Áo dài nam thì ở thôn quê các tỉnh miền Nam chưa bao giờ “đứt gãy” mà chỉ có sự chững lại ít nhiều. Khi các lễ hội truyền thống từng bước được phục hồi thì áo dài nam trở lại phổ biến từ nông thôn lên thị thành. Sự quay trở lại của chiếc áo dài nam gắn liền với nhiều giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống đã và đang được phục hồi, chấn hưng.
Dĩ nhiên, áo dài nữ cũng như áo dài nam phải được gắn với môi trường, không gian văn hóa thích hợp thì mới có bản sắc, có sức sống và không bị lạc lõng. Có một số ý kiến không đồng tình với áo dài nam trong mấy ngày vừa qua trên mạng xã hội tôi nghĩ là do họ chưa được tiếp nhận thông tin đầy đủ. Thực ra chủ trương đồng phục áo dài nam ở Văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh chỉ là bước thể nghiệm, chỉ áp dụng cho ngày thứ 2 đầu tiên của tháng, trong lễ chào cờ. Sau đó mọi người lại đổi trang phục để bắt đầu một ngày làm việc. Tôi nghĩ, những người ngồi làm việc trong Văn phòng đều có thể giữ nguyên trang phục áo dài, chỉ thay âu phục khi có công việc phải đi ra ngoài. Còn cái thẻ bài có thể là cái bảng tên của mỗi người.
Mọi thể nghiệm đều phải có thời gian nhất định, chúng ta cần bình tĩnh xem xét và góp ý chân thành, thay cho “ném đá” là đưa ra những ý tưởng hay, có tính khả thi. Tôi chưa thấy ai phản đối ý tưởng Huế là “kinh đô áo dài” thì cũng nên hiến kế để áo dài nam, cũng giống như áo dài nữ, được đi vào cuộc sống một cách tự nhiên, hợp lý và trở thành một gu thời trang, một nét thẩm mỹ mang đậm bản sắc Huế.
Thanh Tùng