Khu đất vừa san lấp ở địa bàn xã Lộc Trì, Phú Lộc vi phạm hành lang an toàn đường sắt đang được ngành chức năng giải quyết
Ngang nhiên vi phạm
Từ thông tin cơ sở, chúng tôi theo chân ngành chức năng khảo sát, chứng kiến bà Mai Thị Cúc ở thôn Trung Kiền, xã Lộc Tiến (Phú Lộc) đã xây dựng nhà ở vi phạm HLATĐS tại Km 741+463 (phía bắc ga Thừa Lưu và bên trái hướng Hà Nội đi TP. Hồ Chí Minh).
Việc xây dựng công trình trên vi phạm khoản 2, Điều 9 Luật Đường sắt và Điều 9, Điều 10 của Nghị định 56/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ với diện tích vi phạm hơn 82m2 (dài10,8m, rộng 7,6m).
Tình trạng trên đã xảy ra từ tháng 4/2020 và được các ban ngành chức năng lập biên bản yêu cầu khắc phục tháo dỡ phần công trình đã xây dựng trong HLATĐS, nhưng chủ vi phạm không thừa nhận. Đến thời điểm này công trình trên vẫn hiện hữu.
Cách khu vực vi phạm bà Mai Thị Cúc không xa là trường hợp gia đình ông Nguyễn Đức Hùng, thôn Thủy Tụ, cũng xây dựng nhà ở vi phạm LHATĐS tại Km 740+545. Kích thước phần vi phạm dọc theo đường sắt gần 5m, rộng 4m; trong đó điểm gần nhất của công trình cách chân nền đường đắp của đường sắt chỉ 4m; trái với quy định của Luật Đường sắt cho phép là ngoài 8m. Trường hợp của ông Hùng, đơn vị quản lý là Công ty Đường sắt Bình Trị Thiên nhiều lần kiểm tra, lập biên bản vi phạm nhưng đến nay chủ vi phạm vẫn phớt lờ mọi yêu cầu tháo dỡ.
Nhà bà Mai Thị Cúc, Lộc Tiến, Phú Lộc xây dựng vi phạm hành lang an toàn đường sắt
Cũng tại Km 734+725 thuộc địa bàn xã Lộc Thủy, ông Hồ Hạnh-người dân ở địa phương đã đổ đất tiến hành làm nhà vi phạm HLATĐS theo Luật đường sắt và Nghị định 56 của Chính phủ với tổng diện tích là 160m2 (dài 20m, rộng 8m). Dù ngành chức năng cùng chính quyền địa phương tiến hành lập biên bản đề nghị chủ vi phạm khắc phục từ tháng 4/2020, nhưng đến nay công trình trên vẫn hiện diện.
Ngoài các trường hợp đã vi phạm HLATĐS được ngành chức năng lập biên bản, đề nghị xử lý thì không ít trường đã tự ý đổ đất, san nền, có biểu hiện chuẩn bị xây dựng nhà ở, hàng quán cạnh QL1A lấn sát khu vực chân đường ray tàu chạy từ thôn Phước Hưng, xã Lộc Thủy về xã Lộc Tiến.
Ông Nguyễn Bá Phúc, Phó Trưởng phòng An toàn-Kỹ thuật, Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên nói: "Theo luật, với phạm vi bảo vệ và giới hạn HLATĐS đối với chân đường đắp tính từ hướng vuông góc với đường sắt ra 8m thì hầu hết các khu đất vừa san lấp ở đây đều vi phạm".
Cần giải quyết dứt điểm
Theo kỹ sư Nguyễn Thiết Hùng, Phó Giám đốc Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là đơn vị không có chức năng cưỡng chế, giải tỏa vi phạm HLATĐS. Hoạt động này thuộc quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền địa phương. Khi phát hiện hành vi lấn chiếm, đơn vị đã nhiều lần ra văn bản thông báo ban ngành chức năng, chính quyền địa phương để tổ chức giải quyết xử lý. Song hầu như chính quyền địa phương lại "đánh trống bỏ dùi". Năm 2019, ở Thừa Thiên Huế (chủ yếu ở Phú Lộc và TX. Hương Thủy) đã xảy ra 21 trường hợp vi phạm HLATĐS chưa giải quyết dứt điểm. Trong 7 tháng đầu năm 2020 lại thêm 5 trường hơp ở huyện Phú Lộc vi phạm HLATĐS. Đây là thực trạng kéo dài làm đe dọa trực tiếp an toàn chạy tàu.
Ông Võ Đại Thắng, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phú Lộc cho hay, tình trạng lấn chiếm, vi phạm hành lang HLATĐS trên địa bàn vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nguyên nhân một phần do cán bộ cơ sở chưa sâu sát, quan tâm đúng mức; một số vị trí người dân còn xây dựng nhà ở, cơi nới công trình, làm mái che tập kết vật liệu xây dựng vi phạm HLATĐS. Hiện phòng đang tham mưu lãnh đạo huyện có phương án hữu hiệu cùng ngành chức năng rà soát, xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm HLATĐS trên địa bàn.
Luật Đường sắt sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2018, trong đó Điều 24 nêu, chính quyền địa phương các cấp nơi có công trình đường sắt đi qua chủ trì, phối hợp phòng ngừa ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng đường sắt và an toàn giao thông đường sắt. Những trường hợp vi phạm HLATĐS nêu trên, các xã, thị trấn và huyện Phú Lộc cần sớm vào cuộc xử lý dứt điểm, trả lại HLATĐS.
Tuyến đường sắt qua địa bàn Thừa Thiên Huế dài hơn 101km, có 63 đường ngang, trong đó có 26 đường ngang có gác chắn, 33 đường ngang lắp đặt cần chắn tự động, 4 đường phòng vệ bằng biển báo. Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam, ban, ngành chức năng địa phương theo dõi, kiểm tra cắm biển báo các lối người dân tự mở, phát quang các điểm che khuất tầm nhìn đường ngang. Công ty đã phối hợp xóa bỏ 14 lối đi do người dân tự mở và xây dựng gần 6,5km hàng rào-đường gom. 8 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn Thừa Thiên Huế xảy ra 9 vụ tai nạn giao thông đường sắt, khiến 3 người chết, 6 người bị thương. Hầu hết các vụ đều xảy ra ở các vị trí giao cắt, đường ngang qua tuyến đường sắt trên địa bàn.
Bài, ảnh: MINH VĂN