Tượng đài Xô Viết Nghệ - Tĩnh (thị trấn Nghèn - Can Lộc - Hà Tĩnh). Ảnh: TL

1. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 1929 - 1933 đã nhanh chóng mang những hậu quả trực tiếp đến xã hội Việt Nam. Chính sách bóc lột nặng nề của hệ thống cai trị thực dân ở Đông Dương nhằm bù đắp cho những thiệt hại ở “chính quốc” càng làm cho mọi tầng lớp Nhân dân Việt Nam khốn khó.

Ở Việt Nam năm 1930, ách áp bức thực dân - phong kiến và sự thống khổ của các tầng lớp Nhân dân đang tích tụ “những cơn cuồng phong xã hội”. Những tiếng sấm báo hiệu đã nổ ra từ trước đó ở Phú Riềng (ngày 3/2/1930), ở Nam Định (ngày 25/3/1930), ở Hải Phòng, Quảng Yên, Sài Gòn (tháng 4/1930)... Nhưng tâm điểm của “cơn cuồng phong xã hội” những năm 1930 - 1931 đã diễn ra ở hai tỉnh Nghệ - Tĩnh.

Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930, Xứ ủy Trung kỳ và Tỉnh ủy Nghệ An huy động đông đảo nông dân từ các làng xã xung quanh thành phố Vinh kéo vào nội thành phối hợp đấu tranh với công nhân ở các nhà máy xe lửa Trường Thi và nhà máy diêm Bến Thủy. Đoàn biểu tình mang theo cờ búa liềm kéo đến Toà Công sứ Pháp ở Vinh, cùng hô vang khẩu hiệu: “Đánh đổ đế quốc Pháp và phong kiến Nam triều”, “Bảo vệ Liên Xô”… và hát Quốc tế ca.

Ngày 12/9, Nhân dân ở các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn tiến về phủ lỵ Hưng Nguyên rồi kéo vào Vinh - Bến Thủy phối hợp với cuộc đấu tranh của công nhân ở đây. Lo sợ trước sức mạnh của phong trào, Pháp dùng máy bay ném bom vào đoàn biểu tình làm chết 217 người, làm bị thương hàng trăm người khác. Đây là vụ đàn áp thảm khốc nhất trong cao trào đấu tranh cách mạng năm 1930 - 1931. Nhưng sự đàn áp khốc liệt càng thổi bùng ngọn lửa căm thù của các tầng lớp nhân dân, tạo nên sự “cộng hưởng” đấu tranh của Nhân dân cả hai tỉnh Nghệ - Tĩnh trong nhiều tháng sau đó.

2. Lần đầu tiên chế độ cai trị thực dân gặp phải một hình thái đấu tranh mới của đông đảo Nhân dân ở một nước thuộc địa. Càng đàn áp phong trào đấu tranh càng lan rộng và mãnh liệt hơn. “Một người chết thì nảy ra ngàn người cách mệnh, một tiếng súng bắn chết một người làm cho ngàn người tỉnh dậy”.

Dù bị đàn áp rất dã man nhưng các cuộc đấu tranh của Nhân dân nhiều phủ huyện trong hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã làm tan rã bộ máy cai trị của thực dân - phong kiến. Chính quyền tự quản của Nhân dân sau này được biết với tên Xô Viết được thành lập ở tất cả các xã thuộc hai huyện Thanh Chương, Nam Đàn, ở nhiều xã của các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Anh Sơn, Diễn Châu (Nghệ An). Trong tỉnh Hà Tĩnh, chính quyền Xô Viết được thành lập ở 172 xã thuộc các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ.

Dù chính quyền Xô Viết Nghệ - Tĩnh chỉ tồn tại trong 10 tháng (từ tháng 9/1930 đến tháng 6/1931) nhưng đã ghi dấu một mô hình chính quyền chưa được biết đến ở Việt Nam khi Nhân dân tự bầu ra những Ủy ban để điều hành cuộc sống của mình.

Viên Toàn quyền Đông Dương khi đó là René Robin cũng thừa nhận sự bất lực của bộ máy cai trị tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh: “Họ hoàn toàn bất lực, chẳng làm được điều gì để ngăn cản sự mở rộng của phong trào. Chính quyền bản xứ thuộc mọi cấp trong tỉnh đều tê liệt, không thể nêu tên một người cầm đầu nào, không thể nhờ cậy vào một sự trợ giúp nào của các chức trách cấp tổng và xã, khiến người ta có cảm giác rằng họ đã mất hết tất cả uy quyền trên đám quần chúng mà họ cai trị”.

Sau cơn chấn động, chính quyền thực dân Pháp và phong kiến Nam triều đàn áp phong trào rất  khốc liệt và nham hiểm: Nhiều đơn vị quân tinh nhuệ và các nhà cai trị lão luyện được điều ra Nghệ Tĩnh. Một hệ thống đồn bốt dày đặc được dựng lên (Nghệ An 68 đồn, Hà Tĩnh 54 đồn). Nông dân bị ép ra đầu thú, nhận thẻ “quy thuận”, “rước cờ vàng” của nhà vua... Nhiều cán bộ, quần chúng trung kiên bị giết, bị bắt giam. Phong trào dần đi xuống trong khủng bố trắng nhưng đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm đấu tranh cách mạng: Thực hiện liên minh công - nông dưới sự lãnh đạo của Đảng, bước đầu kết hợp phong trào cách mạng ở nông thôn và thành thị, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang...

3. Dù đang ở nước ngoài và thiếu thông tin nhưng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vẫn tìm mọi cách nắm bắt tình hình Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Người đã có nhiều báo cáo liên tiếp gửi Ban Phương Đông, Quốc tế Cộng sản về tình hình đấu tranh của quần chúng và chính sách khủng bố trắng của Pháp ở Đông Dương, yêu cầu sự giúp đỡ quốc tế cho phong trào cách mạng trong nước đang gặp tổn thất do bị đế quốc đàn áp, khủng bố.

Trong bài Nghệ Tĩnh đỏ (ngày 19/2/1931), Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Nhân dân Nghệ - Tĩnh nổi tiếng cứng đầu. Trong thời kỳ Pháp xâm lược cũng như trong các phong trào cách mạng quốc gia (1905-1925) Nghệ - Tĩnh đã nổi tiếng. Trong cuộc đấu tranh hiện nay, công nhân và nông dân Nghệ - Tĩnh vẫn giữ vững truyền thống cách mạng của mình”... “Nghệ - Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu “đỏ”!”.

Trong khí thế sôi động của Xô Viết Nghệ - Tĩnh, ngày 18/11/1930, Chỉ thị của Trung ương Thường vụ về việc thành lập Hội “Phản đế đồng minh”, trong đó xác nhận rõ mục tiêu: “để đưa tất cả những tầng lớp và cá nhân đó (những người không thuộc giai cấp công - nông nhưng có tinh thần yêu nước - N.V.A) vào trong hàng ngũ chống đế quốc Pháp, để cần kíp tổng động viên toàn dân nhất tề hành động mặt này hay mặt khác, mà chống khủng bố trắng và ủng hộ cách mạng công nông”.

Ngày 18/11 đã được chọn là Ngày kỷ niệm thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ngày này cũng là Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, kế thừa tinh thần Xô Viết  Nghệ - Tĩnh năm xưa và mang thông điệp mới hôm nay: Xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phát triển bền vững trong hòa bình và thịnh vượng.

TS. NGÔ VƯƠNG ANH