Việt Nam, Nhật Bản cam kết nỗ lực nhiều hơn để phát triển quan hệ hợp tác sâu rộng giữa hai nước. Ảnh minh họa: Thống Nhất/TTXVN/Vietnam+

Ở Đông Nam Á, khu vực nằm ở trung tâm của Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhiều khả năng những nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm mở rộng và tăng cường sự hiện diện của Nhật Bản tại đây sẽ bị bỏ lỡ khá nhiều. 

Đặc biệt, việc Thủ tướng Shinzo Abe từ chức cũng đặt ra dấu hỏi cho tương lai của mối quan hệ giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam, mối quan hệ vốn Việt Nam đã và đang được hưởng lợi từ hoạt động ngoại giao đổi mới của Nhật Bản và hiện Việt Nam vẫn đang có quan hệ đối tác mạnh mẽ với nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Tuy nhiên, có nhiều lý do để tin tưởng rằng những mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản có được sẽ tiếp tục phát triển trên quỹ đạo hiện nay.

Trước tiên, quan hệ đối tác bền chặt giữa Nhật Bản và Việt Nam được củng cố bởi các tính toán về kinh tế. Là một xã hội siêu “già hóa”, với 20% dân số trên 65 tuổi và dân số ngày càng thu hẹp, Nhật Bản gần như đang phải đối mặt với tương lai không chắc chắn. Dân số thu hẹp đồng nghĩa rằng thị trường trong nước nhỏ hơn và lực lượng lao động ngày càng giảm sút. Tình trạng này sẽ gây nên những tác động nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế dài hạn. Ngược lại, dân số Việt Nam lại tương đối trẻ, điều này không chỉ hứa hẹn nguồn cung lao động dồi dào mà đây còn là thị trường mới đầy tiềm năng cho các sản phẩm và công nghệ Nhật Bản.

Là quốc gia đang phát triển với định hướng trở thành quốc gia công nghiệp hóa, Việt Nam có thể hưởng lợi từ các dòng vốn đầu tư và công nghệ từ Nhật Bản, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng. Dựa trên những yếu tố này, có thể thấy quan hệ hợp tác bền chặt giữa Nhật Bản và Việt Nam khả năng cao sẽ tiếp tục nhờ vào những đặc điểm bổ sung cho nền kinh tế của cả hai nước.

Ngoài ra, trong khi cả hai bên đều có thể hoàn toàn yên tâm về những hợp tác đã và đang được xây dựng và tiếp tục phát triển từ quá khứ, Nhật Bản và Việt Nam có thể tận dụng sự hợp tác mạnh mẽ của mình để thúc đẩy hội nhập nội khối ASEAN nhiều hơn. Cho dù đó là tăng cường kết nối ASEAN, vốn được coi là một lĩnh vực hợp tác trong tuyên bố chung của hai quốc gia về cam kết làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản, hay tăng cường thương mại nội khối ASEAN thì mức độ hội nhập ASEAN cao hơn cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Nhật Bản và góp phần tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN.

Nhật Bản đã và đang tạo được dấu ấn nội bật ở Việt Nam cả về hợp tác kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng. Nhiệm vụ của thủ tướng mới sẽ là mở rộng quan hệ hợp tác bền chặt này để phủ rộng nhiều hơn đến các nước ASEAN khác. Nhìn chung, trong bối cảnh đại dịch toàn cầu vẫn đang hoành hành, cũng như sự bất ổn kinh tế và cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các siêu cường, vị lãnh đạo tiếp theo của Nhật Bản nên tiếp tục gắn bó và hợp tác nhiều hơn với Việt Nam để tìm ra con đường đúng đắn để hai bên cùng phát triển.

Đan Lê (Lược dịch từ The Diplomat)