Tại đảo Bồng Lai, hồ Tịnh Tâm lượng khách đến đông, do đó cần tuân thủ các khuyến cáo về phòng chống dịch bệnh
Bản đồ du lịch an toàn
Thời gian qua, nhất là từ thời điểm tuần cuối cùng của tháng 8 đến nay, du lịch Huế đã có dấu hiệu “khởi sắc” trở lại. Cụ thể, các điểm nghỉ dưỡng đã có khách lưu trú, từ 30 - 90 lượt khách/đêm. Các điểm vui chơi giải trí cũng đã đón đến hàng trăm lượt khách, như trong ngày Quốc khánh, Alba Thanh Tân (Phong Điền) đón được 300 lượt khách, Khu du lịch YesHue Eco (Nam Đông) đón 287 lượt khách. Đặc biệt, các điểm đến thuộc di sản đón khoảng 4.000 lượt khách trong ngày lễ 2/9 khi các điểm được mở cửa miễn phí.
Theo Sở Du lịch, để gia tăng nhu cầu đi du lịch nhiều hơn nữa của du khách trong thời gian tới, ngành du lịch buộc phải có những động thái mạnh mẽ hơn để khẳng định cho du khách biết các điểm đến của Huế hiện nay đã thật sự an toàn và đủ điều kiện, tiêu chí về phòng chống dịch, đón khách đến vui chơi, khám phá, nghỉ dưỡng.
Ông Lê Hữu Minh khẳng định: “Trong nhiều giải pháp được triển khai trong tình hình mới, sở đang gấp rút xây dựng “blue map”. Theo đó, bản đồ sẽ liệt kê tất cả các điểm đến hấp dẫn mà đảm bảo các yếu tố an toàn, kết hợp với tính năng hỗ trợ chỉ đường, hình thức di chuyển… Bản đồ này được kết hợp với ứng dụng Bluezone được Chính phủ khuyên dùng. Bản đồ như một thông báo chính thức của ngành du lịch rằng: Huế an toàn”.
Triển khai bản đồ du lịch an toàn rất cần thiết, nhất là khi Huế đang tập trung các giải pháp hồi phục ngành du lịch. Thời gian qua, nhiều địa phương và doanh nghiệp trong nước đã triển khai bản đồ và cho thấy hiệu quả bước đầu. Chẳng hạn như Vietravel, doanh nghiệp này đã nhanh chóng xây dựng các bản đồ du lịch an toàn tại các địa phương khi dịch bệnh có bước kiểm soát tốt từ giữa tháng 8/2020. Bản đồ này giúp doanh nghiệp tổng hợp thông tin chính xác, tin cậy cho du khách nhận ra điểm đến yêu thích.
Đại diện Vietravel chi nhánh Huế thông tin, dựa trên những hướng dẫn của ngành du lịch, công ty đã hình thành bản đồ và mở bán tour “khám phá Huế - vùng đất kinh kỳ”. Theo đó, điểm đến an toàn được công ty lựa chọn để xây dựng các tour là TP. Huế, Nam Đông, A Lưới, Vườn quốc gia Bạch Mã, đầm phá Tam Giang. Thời gian đến, khi Sở Du lịch mở rộng các điểm đến an toàn, công ty sẽ dựa vào đó để xây dựng thêm các tour tuyến, tăng tính đa dạng.
Tập trung kích cầu từ giữa tháng 9
Ông Lê Hữu Minh khẳng định, trong tình hình mới khi dịch bệnh dần được kiểm soát, đòi hỏi phải có sự rà soát, đánh giá và thay đổi một số chi tiết trong bộ tiêu chí điểm đến an toàn mà Huế đã ban hành trước đó. Vì nếu áp dụng như cũ sẽ có nhiều vấn đề chưa phù hợp và các điểm đến khó đáp ứng được. Hiện nay, sở đã sửa đổi lại bộ tiêu chí an toàn và đang trình UBND tỉnh thẩm định và thông qua.
“Từ bộ tiêu chí này, sẽ hình thành thang điểm. Sở Du lịch sẽ phối hợp với các ngành liên quan thành lập hội đồng đánh giá, thẩm định và tiến hành khảo sát tất cả các điểm đến. Chỉ những điểm đến, cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện mới được cấp chứng nhận đủ an toàn, cũng như chính thức đưa vào “blue map”. Đây cũng là điều kiện đủ để các điểm đến phục vụ khách”, ông Lê Hữu Minh cho hay.
Lãnh đạo Sở Du lịch cho biết thêm, song song với việc xây dựng điểm đến an toàn bằng bản đồ, sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh để ban hành kế hoạch “người Huế đi du lịch Huế”. Cùng với đó, sở giao Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh hình thành các gói kích cầu mới. Tất cả đang triển khai và dự kiến vào giữa tháng 9 sẽ đồng loạt đưa vào khai thác để thu hút khách từ nay đến cuối năm và có thể sang năm 2021.
Gần đây, Huế bắt đầu khai thác một số điểm đến mới, làm tăng tính hấp dẫn cho Huế hơn. Một số điểm, nhất là các điểm phục vụ miễn phí, lượng khách đến khá đông, nhưng cho thấy thiếu sự giãn cách và khách cũng không đi từng nhóm nhỏ theo khuyến cáo. Các điểm thiếu các bảng biển có cảnh báo, hay hướng dẫn. Do đó, các cơ quan quản lý cũng cần có sự tính toán hợp lý trong việc phục vụ khách, nếu không, sự chủ quan có thể khiến các điểm đến “trở tay không kịp”.
Bài, ảnh: Đức Quang