Đại tá Nguyễn Văn Hòa (thứ hai bên trái) kiểm tra công tác chủ động ứng phó trước mùa bão lũ ở Phú Thuận (Phú Vang)

Chủ động ở vùng xung yếu

Theo chân Đại tá Nguyễn Văn Hòa, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh trong chuyến kiểm tra công tác triển khai kế hoạch PCTT-TKCN ở một số đơn vị biên phòng, chúng tôi có dịp quan sát các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu (BPCK) cảng Thuận An (Phú Vang) huấn luyện tình huống khẩn cấp di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm do ảnh hưởng bão lớn sắp xảy ra.

Trung tá Lê Khắc Giáp, Đồn trưởng Đồn BPCK cảng Thuận An cho biết: “Đơn vị đã triển khai kế hoạch đảm bảo cơ động sẵn sàng ứng phó trước tình huống thiên tai lớn xảy ra trên địa bàn, với phương châm “3 trước” là chủ động phòng chống trước, phát hiện xử lý trước, phương tiện vật tư chuẩn bị trước và “4 tại chỗ” là lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ. Ngoài huấn luyện theo kế hoạch được cấp trên phê duyệt, đơn vị tăng cường bổ sung thời lượng huấn luyện chuyên ngành về công tác cứu hộ để cán bộ, chiến sĩ thuần thục khi làm nhiệm vụ...”.

Do địa bàn Đồn BPCK cảng Thuận An quản lý có địa hình phức tạp, nhiều điểm có nguy cơ sạt lở, ngập sâu khi sóng biển dâng cao, gây chia cắt và nguy hiểm đến tính mạng, tài sản Nhân dân, nên ngoài việc huấn luyện thuần thục các phương pháp ứng cứu, di dời dân, đơn vị còn thành lập các đội thường trực bám trụ tại các địa bàn xung yếu như Phú Thuận, Phú Hải... để kịp thời giúp dân khi có tình huống xảy ra.

Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức phòng tránh bão lũ cũng được đơn vị chú trọng thực hiện, bởi phương tiện tàu thuyền là tài sản lớn của ngư dân, khiến họ khó lòng rời bỏ để di dời.

Anh Ngô Đức Sương ở thôn An Dương, xã Phú Thuận (Phú Vang) cho hay: Cán bộ vận động quần chúng của Đồn BPCK cảng Thuận An tích cực phối hợp với địa phương tuyên truyền Nhân dân nâng cao ý thức về mức độ ảnh hưởng của thiên tai bão lũ, xác định rõ khu vực triều cường, sóng biển dâng cao, sự tàn phá của sức gió... để bà con chấp hành kế hoạch di dời và lệnh cấm biển khi có tình huống xảy ra.

Khác với tuyến biển, do yếu tố địa hình, nhiều địa bàn của tuyến biên giới đất liền ở huyện A Lưới thường có nguy cơ bị lũ quét đột ngột, cuốn trôi nhà cửa, chia cắt, cô lập địa bàn khi bão lũ xảy ra. Do đó, các đơn vị biên phòng tuyến núi lựa chọn phương án diễn tập theo đặc điểm tình hình địa phương và huy động đông đảo người dân trên địa bàn cùng tham gia để nâng cao hiệu quả. Yêu cầu cấp thiết là công tác rà soát, kiểm tra các khu dân cư trong vùng xung yếu để có những giải pháp kịp thời. Các đồn biên phòng chủ động tham mưu địa phương chuẩn bị sẵn sàng lực lượng ứng cứu khi cần thiết để di chuyển người dân. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành địa phương tổ chức diễn tập phòng, chống bão lũ phù hợp với đặc thù địa bàn nơi đơn vị đóng quân.

Cứu dân là mệnh lệnh chiến đấu cao nhất

Theo Đại tá Nguyễn Văn Hòa, công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu đúng và đánh giá được mức độ ảnh hưởng, tàn phá của bão lũ, cũng như việc chấp hành nghiêm công tác di dời là vấn đề rất quan trọng. Do đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần việc cứu dân trong thiên tai, bão lũ là mệnh lệnh chiến đấu cao nhất.

Để chủ động ứng phó với mọi diễn biến xấu do mưa lũ có thể xảy ra, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã bổ sung các phương án phân chia địa bàn có khả năng ảnh hưởng với các cấp độ khác nhau. Cụ thể như khu vực dự kiến ngập lụt sâu, triều cường; khu vực dự kiến xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất; khu vực có thể xảy ra giông, lốc và khu vực có khả năng xảy ra tai nạn cho tàu cá...Đây là căn cứ quan trọng để cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thực hiện tốt công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chú trọng đến các đơn vị phụ trách những địa bàn trọng điểm như: Hồng Vân, Hồng Thủy, A Roàng (A Lưới); Hải Dương (Hương Trà); Thuận An, Phú Thuận (Phú Vang); Lộc Bình, Lộc Vĩnh, Lăng Cô (Phú Lộc); thường xuyên tăng cường công tác tuần tra khu vực nguy cơ sạt lở cao, kiểm soát người và phương tiện hoạt động trên vùng biển, duy trì quân số, phương tiện để sẵn sàng di dời dân ở vùng xung yếu đến nơi an toàn và tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã triển khai 75% quân số bám trụ các địa bàn, bố trí 2 tàu tuần tra và 3 ca nô 240CV của Hải đội 2 thường trực sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống; bố trí gần 10 ca nô ở các Đồn Biên phòng Phong Hải, Đồn BPCK cảng Thuận An, Đồn Biên phòng Vinh Hiền, Đồn BPCK cảng Chân Mây và Đồn Biên phòng Lăng Cô để chủ động thực hiện nhiệm vụ trên đầm phá và vùng biển thuộc địa bàn các đơn vị quản lý.

Bài, ảnh: Bá Trí