Vụ việc đáng tiếc “bắt nguồn” từ một tình yêu đã kết thúc. Trước đó, Vương (22 tuổi) và chị Y. (23 tuổi, là nhân viên trong một quán ăn trên địa bàn TP. Huế) yêu nhau. Nhưng sau thời gian tìm hiểu thấy không phù hợp, chị Y. đã nói lời chia tay.

Do muốn hàn gắn lại với người yêu cũ, Vương rủ Phước (19 tuổi) và Thái (lúc phạm tội còn ở tuổi chưa thành niên), đi bắt chị Y. về để nói chuyện. Phước và Thái đồng ý. Vương chuẩn bị 1 cây dao dạng mã tấu và 1 khẩu súng nhựa bắn đạn bi, với mục đích để hù dọa nhân viên quán, nhằm tạo điều kiện thuận lợi bắt, giữ Y, nếu có người chống đối thì sẽ dùng dao để đánh trả.

Khoảng 10 giờ đêm hôm đó, cả 3 chở nhau trên 1 chiếc xe máy, đến nơi chị Y. làm việc. Chị Y. thấy Vương đến, vội ẩn nấp dưới quầy lễ tân để tránh mặt. Gây gổ, cãi vã với quản lý quán, Vương cầm súng, Phước cầm mã tấu xông vào đe dọa, nên quản lý quán bỏ chạy.

Phát hiện chỗ chị Y. ẩn nấp, Vương khống chế, bắt chị Y. lôi ra ngoài, yêu cầu lên xe. Phước cầm dao đi ra sau tiếp tục đe dọa, khống chế nhân viên của quán. Thấy nhân viên của quán mình bị bắt nên anh Tuấn (chủ quán) đuổi theo, giữ các đối tượng lại, nhưng bị Phước dùng mã tấu chém 1 nhát vào cổ tay. Cả 3 bị cáo tẩu thoát. Anh Tuấn được đưa đi cấp cứu, tỷ lệ thương tích là 20%.

Về phần chị Y., bị các đối tượng đưa về khu vực cầu vượt thuộc thôn Chầm (phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà) để nói chuyện. Đến khoảng 4 giờ ngày hôm sau, Vương mới đồng ý cho chị Y., về.

Cả 3 bị cáo bị truy tố, xét xử về các tội “cố ý gây thương tích”, “bắt, giữ người trái pháp luật”. Trong đó Vương là người chủ mưu, trực tiếp chuẩn bị hung khí, nên chịu trách nhiệm chính. Thời điểm phạm tội, Thái còn ở tuổi chưa thành niên nên được tại ngoại. Vương và Phước bị bắt tạm giam.

Trước tòa, bị cáo Vương không thể trả lời được câu hỏi, muốn “hàn gắn” với người yêu cũ, tại sao lại lựa chọn cách hành xử vi phạm pháp luật? Bởi hành vi mang tính côn đồ như vậy, chỉ có thể hủy hoại tình cảm, hủy hoại mọi thứ. Hậu quả nhãn tiền, Vương phải ra trước “vành móng ngựa”, kéo theo 2 đồng phạm đối mặt với tù tội, gây nỗi đau về tinh thần, gánh nặng về vật chất cho người thân, gia đình.

Anh Tuấn (chủ quán), là 1 trong 2 bị hại, yêu cầu các bị cáo phải bồi thường chi phí thuốc men, tổn thất tinh thần khá lớn. Tuy nhiên, người thân các bị cáo, mỗi gia đình mới bồi thường cho anh Tuấn 10 triệu đồng đã “hụt hơi”. Bởi họ đều làm ruộng, làm thuê, cuộc sống vất vả, khó khăn.

Các bên đã đưa ra ý kiến tại phiên tòa, đồng thời hội đồng xét xử cũng phân tích rõ các quy định của pháp luật về căn cứ bồi thường, mức bồi thường. Do đó, con số về bồi thường dân sự “điều đình” ở mức hơn 100 triệu đồng. Phiên xét xử đã kéo dài nguyên cả ngày, nhưng hội đồng xét xử vẫn chưa tuyên án, cho thêm thời gian để các bên suy nghĩ và đạt được sự thỏa thuận trong bồi thường dân sự, trước khi tòa đưa ra phán quyết.

Dù đã muộn với các bị cáo, nhưng vụ án này là “cảnh tỉnh” đắt giá cho giới trẻ. Trong yêu đương tuyệt đối không được dùng tình cảm tiêu cực, có cách hành xử trái pháp luật, để tránh hệ lụy đau lòng.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh