Các hoạt động ngoại khóa giúp học sinh phát triển toàn diện
Phát triển khả năng sáng tạo
Hiện nay, hệ thống trường lớp công lập, ngoài công lập các cấp học trên địa bàn TP. Huế khá ổn định và phát triển, đảm bảo nhu cầu học tập cho mọi lứa tuổi. Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các cháu mầm non ngày càng tốt hơn; chất lượng giáo dục tiểu học và THCS tiếp tục nâng cao. Hằng năm, có khoảng 1.500 em đạt học sinh giỏi cấp thành phố, tỉnh, quốc gia, quốc tế; có 99,9% học sinh tiểu học được đánh giá về sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất từ đạt trở lên; 99,9% học sinh THCS xếp loại hạnh kiểm từ trung bình trở lên, trong đó loại tốt, khá đạt 99,7%.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, những năm qua, ngành GD & ĐT thành phố chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, đồng thời vận dụng kiến thức vào thực tiễn, phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời. Để đạt được mục tiêu GDTD, kết hợp chặt chẽ 5 mặt giáo dục về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và lao động. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, cần phải nâng cao chất lượng hoạt động GDTD.
Theo Trưởng phòng GD & ĐT TP. Huế Nguyễn Thuận, trong 5 năm qua (2015- 2020), phòng đã thực hiện tốt công tác huy động, duy trì số lượng, phát triển mạng lưới trường lớp; quy mô phát triển số lượng trường lớp, học sinh ở các cấp học được củng cố duy trì và phát triển; hệ thống trường lớp công lập các cấp học ổn định, tỷ lệ học 2 buổi/ngày nâng cao. Công tác xây dựng đội ngũ giáo viên luôn được chú trọng, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, mua sắm thiết bị dạy học hiện đại nâng tỷ lệ học 2 buổi/ngày và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, tạo thuận lợi để thực hiện GDTD.
Hiện, chất lượng GDTD tiếp tục được giữ vững và phát triển. Các trường tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, trật tự giao thông và rèn luyện thể chất, thẩm mỹ cho học sinh thông qua các hoạt động giáo dục trên lớp và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; thực hiện dạy học lồng ghép các chương trình về giáo dục môi trường, an toàn giao thông, quyền và bổn phận trẻ em, phòng chống HIV/AIDS-ma túy học đường…
Các hoạt động giáo dục thể chất, thẩm mỹ, văn hóa văn nghệ, hoạt động trải nghiệm luôn được các trường học coi trọng, tạo thuận lợi cho học sinh tham gia đạt kết quả cao như: hội thi “Rung chuông vàng” về an toàn giao thông, hội thi Vẽ tranh trên máy tính, hoạt động “Không gian sắc màu tuổi thơ”… Ngoài ra, các trường tổ chức có hiệu quả các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, như: kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu, kỹ năng bảo vệ môi trường, giữ gìn nguồn nước sạch, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống xâm hại trẻ em...
Giải pháp
Để đảm bảo các điều kiện nâng cao chất lượng GDTD, Phòng GD&ĐT kiến nghị thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa theo lộ trình nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện, đồng thời tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất- thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu GDTD và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo chuẩn mới. Hiện, một số trường không đạt quy chuẩn và thiếu về cơ sở vật chất phòng học, phòng chức năng, phòng bộ môn, phòng đa năng và sân chơi bãi tập. |
Theo Chủ tịch UBND TP. Huế Hoàng Hải Minh, thành phố tiếp tục thực hiện có kết quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD & ĐT”. Tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục ở bậc mầm non, đẩy mạnh giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho học sinh; vừa nâng cao chất lượng GDTD, đồng thời, coi trọng giáo dục mũi nhọn ở cấp tiểu học và THCS để phát triển năng khiếu cho học sinh, góp phần đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài ở bậc phổ thông; nâng cao tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh có thành tích cao.
Giữ vững và nâng cao chất lượng GDTD ở các bậc học, cấp học, thành phố tập trung nâng cao chất lượng hoạt động GDTD, trong đó chú trọng nâng cao nhận thức, hiểu biết về phát triển toàn diện theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh; bồi dưỡng nâng cao năng lực tổ chức hoạt động GDTD cho cán bộ quản lý và giáo viên.
Đối với cán bộ quản lý, mỗi giáo viên phải có năng lực xây dựng kế hoạch, năng lực huy động các nguồn lực để tổ chức tốt các hoạt động GDTD; đối với giáo viên, phải có năng lực vận dụng các phương pháp dạy học tích cực để phát triển năng lực học sinh, năng lực tổ chức hoạt động trải nghiệm và năng lực hướng dẫn học sinh tự học. Các trường học phải đổi mới công tác đánh giá hoạt động GDTD, bao gồm đổi mới trong đánh giá giảng dạy của giáo viên theo chủ đề tích hợp, đánh giá việc tổ chức thực hiện một chủ đề hoạt động trải nghiệm của giáo viên và đánh giá chất lượng hoạt động giáo dục toàn diện của một trường học.
Một trong những mục tiêu quan trọng trong việc nâng cao chất lượng GDTD đó là tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, quản lý và khai thác cơ sở vật chất - kỹ thuật trường học, thiết bị trường học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, lớp học 2 buổi/ngày phục vụ cho hoạt động giáo dục toàn diện. Mặt khác, phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội theo hướng xã hội hóa để nâng cao chất lượng GDTD.
Bài, ảnh: Thanh Hương