Tổng công ty Tài chính Quốc tế, một phần của Nhóm Ngân hàng Thế giới, cho biết gói ngân sách sẽ bao gồm 250 triệu USD cho các dự án trước mắt và ít nhất 200 triệu USD cho các dự án đầu tư để hỗ trợ phục hồi kinh tế của Liberia, Sierra Leone và Guinea sau khi đại dịch Ebola được kiểm soát.

Liberia, Sierra Leone và Guinea là 3 nước Tây Phi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Ebola-Nguồn: KVIA

 

 
Công bố này trùng với kết quả nghiên cứu về tác động kinh tế - xã hội từ các ổ dịch của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc khi cho thấy chính phủ 3 nước này cần 328 triệu USD để có thể hoạt động ở mức trước khủng hoảng. Nghiên cứu cũng chỉ rõ sự thiếu hụt là do tăng chi tiêu để giải quyết dịch Ebola và suy giảm hoạt động kinh tế trong các lĩnh vực du lịch, khai thác khoáng sản và thương mại.
 
Trong một tuyên bố, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim cho biết: "Ebola là cuộc khủng hoảng nhân đạo đầu tiên và nghiêm trọng hàng đầu, đồng thời cũng là một thảm họa kinh tế của Guinea, Liberia và Sierra Leone. Đó là lý do tại sao ngoài việc viện trợ khẩn cấp, chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nước xây dựng lại việc kinh doanh."
 
IFC, tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung vào mảng tư nhân, cho biết có gói ngân sách 75 triệu USD từ Sở thanh khoản khẩn cấp (ELF) để tài trợ cho việc nhập khẩu các mặt hàng quan trọng cho các nước bị ảnh hưởng bởi Ebola, bao gồm năng lượng, thực phẩm và các mặt hàng nông sản và sản xuất.
 
Nghiên cứu của UNDP cho thấy, chi tiêu chính phủ của Liberia, Sierra Leone và Guinea đã tăng khoảng 30%, và thâm hụt ngân sách ở 3 nước này đang tăng lên do đại dịch Ebola. Liberia đã hy sinh 20 triệu USD cải tiến cơ sở hạ tầng và Sierra Leone đã mất 16 triệu USD kể từ đầu cuộc khủng hoảng. Ở phía đông bắc Guinea, xuất khẩu trái cây và rau quả sang các nước láng giềng đã giảm 90%, trong khi ở thủ đô Freetown của Sierra Leone, gần như tất cả các quán bar, nhà hàng và câu lạc bộ đêm đều đóng cửa. Điều này buộc các nhà máy bia lớn nhất nước phải thu hẹp hoạt động, đỉnh điểm là việc cắt giảm 24.000 việc làm trong chuỗi cung ứng.
 
Các khó khăn về tài chính đã buộc 3 nước này phải viện với các khoản vay trong nước và quốc tế, và nhận các gói tài chính từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
 
Theo ông Abdoulaye Mar Dieye, Giám đốc khu vực Châu Phi của UNDP, cuộc khủng hoảng đã gây thiệt hại về ngân sách và làm giảm khả năng đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng như y tế và giáo dục của chính phủ 3 nước này.
 
Trong một tuyên bố, ông Dieye cho biết: "Chúng ta cần đảm bảo đại dịch Ebola không dẫn đến sự sụp đổ kinh tế - xã hội của 3 nước Tây Phi. Các nước này đã phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ và chúng ta cần tránh tình huống các quốc gia này tăng sự phụ thuộc vào các nguồn tài chính bên ngoài bằng cách đánh giá mức độ lành mạnh của tăng trưởng kinh tế và cơ hội cho các doanh nghiệp, đa dạng hóa kinh tế và huy động nguồn lực trong nước."
 
Tố Quyên (lược dịch từ AP)