Tuy hồ đập khá kiên cố nhưng những hồ tôm sát biển đối mặt với nguy cơ cao mùa mưa bão 

Lo xói lở, vỡ hồ

Đây là lúc nhiều người nuôi tôm đã xuống giống vụ đông. Khi mà những lo lắng về con giống, dịch bệnh chưa nguôi thì bão ập đến, dự báo với cường độ mạnh. Hàng trăm ha tôm chân trắng đứng trước nhiều nỗi lo.

Tại xã Phong Hải (huyện Phong Điền), địa phương được xem là “thủ phủ” tôm chân trắng, các chủ hồ nuôi đang tích cực gia cố đê bao, hệ thống đường ống đấu nối để đưa nước mặn vào hồ. Mặc dù khi đã bỏ ra tiền tỉ để nuôi tôm họ đã đầu tư một hệ thống đê bao khá vững chắc, tạo nên những vuông tôm kiên cố, song nếu mưa to, gió lớn những đoạn đê bằng cát dễ bị san phẳng, nhất là khi hệ thống xử lý nước thải còn chưa hoàn thiện.

Anh Lê Văn Hòa (một hộ nuôi tôm ở xã Phong Hải) nói: “Nếu mưa to gió lớn sẽ không biết điều gì xảy ra bởi các hồ tôm đều có những mương nước đổ ra biển cạnh đập. Không gia cố kỹ, chắc chắn sẽ xảy ra xói lở, thậm chí vỡ hồ. Nếu độ mặn hay PH thay đổi đột ngột tôm sẽ sốc, dẫn đến bị nổi đầu”.

Những con sóng đang trở nên dữ dội và đa số hồ tôm đều sát nách biển. Những năm gần đây, không xuất hiện bão lớn song các đợt mưa lũ hàng năm đều gây hư hỏng kênh mương nước thải. Năm 2018, cũng tại Phong Hải, mưa lũ khiến các mương nước từ hồ tôm chảy ra biển sạt lở hơn 1km, ảnh hưởng đến 30 hộ nuôi tôm tại thôn Hải Thế và gần 10ha rừng phòng hộ ven biển. Các mương thoát nước bị bể khiến nước tràn vào hồ gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt tại xã Điền Hương (huyện Phong Điền), hồ tôm của anh H.C. bị vỡ thiệt hại hàng chục vạn tôm giống.

Bão đến, không chỉ nỗi lo vỡ hồ đập, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ nuôi tôm cũng dễ dàng hỏng hóc ảnh hưởng đến quá trình nuôi. Anh Nguyễn Xi (xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc) cho biết: “Chúng tôi phải sẵn sàng mọi phương án khi bão đến, phòng trường hợp cúp điện hoặc trục trặc hệ thống thoát nước. Hiện nay, tôm mới xuống giống nên cần đảm bảo đủ lượng oxy với hệ thống dàn quạt đầy đủ. Trong những ngày bão số 5 đổ bộ vào đất liền, chúng tôi chắc chắn phải trắng đêm bên hồ và sẵn sàng máy phát điện để dự phòng”.

Người nuôi tôm ở Phong Điền kiểm tra chất lượng nguồn nước 

Nhiệm vụ hàng đầu

Ngoài việc gia cố đê bao, giằng néo chòi canh ứng phó với bão số 5, nhiều hộ nuôi chuẩn bị đầy đủ các chế phẩm sinh học, máy sục khí và thường xuyên theo dõi sự biến động của con nước. Chủ tịch UBND xã Phong Hải - Hoàng Văn Sửu cho hay, mặc dù ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến thị trường tiêu thụ bị thu hẹp nhưng vụ đông này, nhiều hộ dân cũng mạnh dạn xuống giống bởi đây là vụ chính trong năm, tôm thường được mùa, được giá. Bão số 5 chuẩn bị vào đất liền, chính quyền địa phương cũng đã đến tận những hồ tôm kiểm tra vận động người dân gia cố các tuyến đê nuôi trồng thủy sản và hệ thống mương thoát nước.

“Nuôi tôm thẻ chân trắng đang phát triển mạnh tại địa phương, thông thường người dân thả nuôi vụ đông, thời điểm xuất hiện mưa bão. Hàng năm, mưa bão cũng gây thiệt hại, ảnh hưởng đến quá trình nuôi của người dân. Thời điểm này, bão số 5 dự báo có cường độ mạnh. Ngoài việc di dời các hộ dân vùng sạt lở đến nơi an toàn thì đảm bảo an toàn hồ nuôi tôm là nhiệm vụ hàng đầu, nếu không kỹ lưỡng, rất có thể tiền tỉ sẽ ra đi theo mưa bão”, ông Hoàng Văn Sửu chia sẻ.

Hiện, toàn tỉnh có khoảng 400 ha tôm thẻ chân trắng được nuôi chủ yếu tại các địa phương vùng ven biển Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc. Tìm cách ứng phó với bão bây giờ là chuyện tất nhiên, song trong điều kiện thời tiết mưa bão môi trường nước chắc chắn sẽ bị tác động, ngoài sự biến động mực nước ở hồ nuôi, chất lượng nguồn nước thay đổi sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của tôm.

“An toàn hồ đập bây giờ phải đặt lên hàng đầu, song cần theo dõi môi trường và mực nước trong hồ cho phù hợp. Mưa lớn chắc chắn nước sẽ dâng và làm thay đổi các thông số nguồn nước, người nuôi tôm cần chú ý điều này không chỉ bây giờ mà trong cả mùa mưa lũ”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh - Phan Thị Thu Hồng khuyến cáo.

Bài, ảnh: L. Thọ