Trong những ngày qua, ngành nông nghiệp liên tục đón nhận tin vui khi nhiều nông sản Việt Nam như gạo, tôm, trái cây chính thức lên đường xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) sau một tháng rưỡi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Điều này không chỉ thể hiện sự nhanh nhạy, tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu vào thị trường EU của các doanh nghiệp, mà còn là động lực để các doanh nghiệp, người dân tổ chức lại sản xuất theo hướng bền vững, hiệu quả.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, hầu hết các ngành sản xuất của nước ta đều gặp khó khăn. Với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, cái khó ở đây không chỉ là đứt gãy nguồn cung nguyên liệu, mà còn do thị trường bị thu hẹp bởi nhu cầu tiêu thụ giảm, cùng các biện pháp thắt chặt biên giới, thực hiện giãn cách xã hội của các nước vốn là bạn hàng truyền thống của Việt Nam.

Với ngành nông nghiệp, do tác động của dịch COVID-19, thời gian qua không ít sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam bị ứ đọng, khó tiêu thụ, giá sụt giảm mạnh khiến người nông dân lao đao. Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU nhờ việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong EVFTA đã tiếp sức cho hàng nông sản Việt Nam vào thị trường giàu tiềm năng này. Theo thông tin mới nhất từ Bộ NN&PTNT, thống kê sơ bộ sau hơn 1 tháng EVFTA có hiệu lực (1/8/2020), trị giá xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào EU tháng 8/2020 là 350 triệu USD, tăng 17% so với tháng 7/2020.

Trong mối quan hệ chuỗi giá trị, khi xuất khẩu khơi thông không chỉ doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu mà cả doanh nghiệp liên quan, HTX, người nông dân đều hưởng lợi. Đồng thời, tác động tích cực trở lại đối với người sản xuất trực tiếp, thúc đẩy mở rộng quy mô sản xuất, bảo quản, chế biến, vận tải…

Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường EU tuy có nhiều tiềm năng nhưng lại yêu cầu rất khắt khe về an toàn thực phẩm, kiểm dịch...; trong khi sản xuất nông sản Việt Nam còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết, ý thức áp dụng và tuân thủ các quy trình an toàn chưa cao. Đây là thách thức rất lớn đối với các DN xuất khẩu nông sản khi khai thác cơ hội từ EVFTA. Để vượt qua thách thức này, việc tổ chức lại sản xuất là yêu cầu cấp thiết nhằm tạo ra nguồn hàng hóa quy mô lớn, ổn định nguồn cung, chất lượng đồng đều.

Nhìn lại Thừa Thiên Huế chúng ta thấy hầu hết nông lâm thủy sản đều sản xuất quy mô nhỏ, chủ yếu theo nông hộ rất khó tận dụng cơ hội từ EVFTA. Điển hình là việc nuôi tôm trên cát. Các hộ mạnh ai nấy làm, thiếu một người “cầm trịch” nên chất lượng sản phẩm không đồng nhất, không có chứng nhận an toàn nên chỉ có thể bán cho thương lái với giá thấp để tiêu thụ nội địa hoặc xuất tiểu ngạch. Vì vậy, rất cần một HTX đủ mạnh về nuôi trồng thủy sản dẫn dắt người nuôi thực hiện các quy trình nuôi an toàn và làm cầu nối với các doanh nghiệp chế biến để nâng cao hiệu quả nghề nuôi tôm.

Tương tự, với ngành xuất khẩu đồ gỗ, nếu không xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp chế biến, sản xuất với người trồng rừng trong việc phát triển rừng trồng có chứng chỉ FSC thì cả người trồng rừng lẫn doanh nghiệp khó tận dụng được cơ hội từ EVFTA, nâng cao giá trị gỗ rừng trồng.

Nhận diện lại tiềm năng, đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành theo hướng tập trung sản xuất hàng hóa, theo chuỗi liên kết từ nguyên liệu, chế biến, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sẽ là một quá trình không phải một sớm một chiều, nhưng không thể không triển khai. Trong quá trình đó, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước cần phát huy vai trò của các chủ thể trong chuỗi sản xuất, nhất là việc phải tuân nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của thị trường theo cam kết, nếu không sẽ dẫn đến thiệt hại của toàn bộ chuỗi sản xuất.

Hoàng Minh