Giờ học ở Trường THCS Nguyễn Tri Phương
Đảm bảo cơ sở vật chất dạy và học
Đảm bảo cơ sở vật chất cho năm học mới, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Điền chỉ đạo các trường học huy động nguồn lực đầu tư xây dựng, tu sửa, mua sắm trang thiết bị, duy tu bảo dưỡng thiết bị dạy học với kinh phí gần 60 tỷ đồng; trong đó, xây dựng mới 43 phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng ở các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở với nguồn kinh phí hơn 28,9 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ. Các đơn vị đã huy động kinh phí xã hội hóa để xây dựng tư sửa, chống xuống cấp, quét vôi trường học, xây dựng hệ thống cổng, tường rào, quy hoạch lại sân đường nội bộ, nhà để xe, bếp ăn… Các trường học cũng đã mua sắm thêm bàn ghế, máy vi tính, ti vi đầu đĩa, thiết bị phục vụ dạy học, mua sách bổ sung thêm cho thư viện.
Cũng từ ngân sách của huyện và các nguồn xã hội hóa, huyện Phong Điền đầu tư xây dựng mới 28 phòng học cho các trường với số tiền hơn 16 tỷ đồng và phân bổ kinh phí mua sắm trang thiết bị với số tiền hơn 5 tỷ đồng cho công tác dạy và học, đồng thời đầu tư thêm các hạng mục khác, góp phần xây dựng trường học khang trang, xanh, sạch đẹp. Phòng GD&ĐT huyện tham mưu UBND huyện đầu tư xây mới các phòng học và sửa chữa, nâng cấp các điểm trường, cũng như thiết bị phục vụ giảng dạy nhằm đáp ứng công tác dạy và học.
Khác với mọi năm, các trường học ở Thừa Thiên Huế còn có thêm một nhiệm vụ mới là làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID - 19, như: Chuẩn bị phòng cách ly, thuốc men, dụng cụ y tế...; triển khai cài đặt các ứng dụng COVID, HUE-S, BLUZONE; tuyên truyền, cài đặt giúp cho người thân, phụ huynh các ứng dụng phòng chống COVID-19.
Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia
Qua 5 năm triển khai, đến nay toàn tỉnh có 365/576 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 63,37%), tăng 105 trường so với đầu năm 2016. Cụ thể, ngành học mầm non có 94/207 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 45,41%; cấp tiểu học có 170/200 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 85,00%; cấp THCS có 83/132 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 62,87%), tăng 28 trường so với đầu năm 2016; cấp trung học phổ thông (THPT) có 18/37 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 48,65%), tăng 5 trường so với đầu năm 2016. Các huyện Phú Vang, Phong Điền và thị xã Hương Trà có tỷ lệ trường đạt chuẩn đầu kỳ rất thấp nhưng nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và ưu tiên đầu tư nên đã đẩy nhanh được tiến độ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.
Huyện Phú Vang có 24 trường mầm non, 32 trường tiểu học, 21 trường trung học cơ sở, 5 trường trung học phổ thông, 1 trung tâm GDNN-GDTX và 20 trung tâm học tập cộng đồng. Từ năm 2016 đến 2020, Phú Vang huy động trên 263 tỷ đồng xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia. Các trường học trên địa bàn được tầng hóa. Năm 2015, toàn huyện chỉ có 18 trường đạt chuẩn thì nay đã có 55/77 trường đạt chuẩn quốc gia. Quy mô mạng lưới trường học được quy hoạch hợp lý. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư, nhiều đề án, dự án đầu tư đều hướng đến mục tiêu chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Lời giải cho bài toán
Thừa Thiên Huế vẫn còn nhiều trường học được xây dựng trước năm 1975 đã xuống cấp; một số trường học không đủ quỹ đất, không đủ các phòng chức năng theo yêu cầu trường chuẩn quốc gia. Hệ thống trường điểm của một số trường tiểu học và mầm non có nhiều điểm phân tán, nhỏ lẻ, nên đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia khó khăn. Kinh phí đầu tư xây dựng phòng học, phòng chức năng, thiết bị dạy học ở một số cơ sở giáo dục chưa đáp ứng được các điều kiện để đảm bảo được các yêu cầu về cơ sở vật chất của trường đạt chuẩn quốc gia.
Thực tế ở Phú Vang cho thấy, trong khi nguồn đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia vẫn chủ yếu là ngân sách Nhà nước thì công tác xã hội hóa còn nhiều hạn chế, khó vận động. Nhiều trường có diện tích hẹp nên khó mở rộng, không đảm bảo tiêu chí xây dựng trường chuẩn quốc gia. Còn ở Phú Lộc, 100% trường học được tầng hóa, nhưng vẫn còn thiếu phòng chức năng, trang cấp máy tính thiếu trầm trọng, nhiều trường yêu cầu không dạy máy vi tính vì không có máy để thực hành. Mong muốn của Phú Lộc là được phân bổ kinh phí để tăng tỷ lệ xây dựng trường chuẩn quốc gia khi trong 4 năm qua, xã hội hóa chỉ được 8 tỷ đồng.
Tại hội nghị triển khai năm học 2020 - 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu ngành giáo dục và đào tạo trong quá trình chỉ đạo thực hiện cần tập trung quan tâm và chú trọng vào 6 nhiệm vụ chính, trong đó có 2 nhiệm vụ quan trọng là tiến hành triển khai rà soát, quy hoạch mạng lưới trường lớp đáp ứng sự phát triển giáo dục, đào tạo trong giai đoạn mới và đẩy mạnh công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp, bậc học.
Đến năm 2024 - 2025, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu có 88,89% trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 7,64% đạt từ cấp độ 2 trở lên. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng sẽ không là bài toán quá khó, nếu vào cuộc với quyết tâm cao và cách làm khoa học.
Bài, ảnh: Đan Duy