Kiểm tra cống xả nước thải của Farm nuôi Cty CP tại xã Điền Lộc
Nghi ngờ
Bà Nguyễn Thị Kiểu, thôn Tân Hội, xã Điền Lộc (Phong Điền) cho biết, những năm trước, giếng nước của bà có thể tắm rửa, nấu ăn, uống được, nhưng 2 năm trở lại đây bị phèn và nhiễm mặn, tưới cây cây cũng chết... Bà nghi ngờ hiện tượng là do khu nuôi tôm của Cty CP gây nên.
Ông Nguyễn Văn Lành, Trưởng thôn Tân Hội cho biết, toàn thôn có 103 hộ dân thì có đến 30 hộ nước giếng bị nhiễm mặn, tập trung chủ yếu ở khu vực xung quanh Tỉnh lộ 22. Nếu trước đây, giếng chỉ cần đóng sâu khoảng 10 đến 13m thì đã có nước ngọt, nay phải đóng sâu từ 19 đến 21m mới có nước ngọt.
Năm 2018, theo phản ánh, kiến nghị của người dân, đoàn kiểm tra về khảo sát 5 giếng, tìm nguyên nhân nguồn nước giếng bị nhiễm mặn, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả, trả lời cho dân được rõ. Người dân thôn Tân Hội mong Cty CP hỗ trợ kinh phí để người dân được cấp nước sạch sử dụng trong sinh hoạt, đời sống…
Không bị nhiễm mặn nước giếng như thôn Tân Hội (Điền Lộc), người dân thôn Trung Đồng (Điền Hương) lại phản ánh về nguồn xả thải của Cty CP. Theo ông Nguyễn Văn Hồ, Trưởng thôn Trung Đồng, cứ mỗi khi khu nuôi tôm Cty CP súc hồ, xả thải ra biển thì có mùi hóa chất rất khó chịu. Những lúc như thế này, người nuôi tôm thôn Trung Đồng không dám lấy nước biển vào để nuôi tôm vì lo ngại sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn tôm trong hồ.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Cty CP - Chi nhánh Huế 2 gồm 3 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng hoạt động từ năm 2012 tại các xã Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc. Đầu tháng 9/2020, chúng tôi đến đường ống xả thải của các cơ sở chăn nuôi này, không thấy hiện tượng gì bất thường. Nguồn nước xả thải của các cơ sở nuôi tôm ra biển trong, không có mùi hôi. Tuy nhiên, theo nhiều người dân, đây không phải là thời kỳ xả thải mạnh của các cơ sở nuôi. Hơn nữa, các hộ dân cũng không thể giám sát và có các thiết bị đo mức độ ô nhiễm của nguồn xả thải này.
Cần sớm tìm ra nguyên nhân
Cty CP tổ chức nuôi tại 3 Farm thuộc 3 xã Điền Hương, Điền Môn và Điền Lộc với diện tích trên 200ha. Các Farm nuôi đều được UBND tỉnh cấp Giấy phép xả thải ra biển với lưu lượng lớn nhất là 8,5 ngàn m3/ngày đêm.
Ông Ekkalak Tattana, Giám đốc 3 Farm 1, 2 và 3 Huế cho biết, nước biển sau khi lấy vào được xử lý qua 4 ao rồi đưa vào nuôi tôm. Khi xả thải cũng đưa nước ra 4 ao để xử lý. Trong đó, có ao lắng bùn, ao xử lý vi sinh thiếu khí (theo sinh học), ao thải có sục khí, nuôi cá rô phi để xử lý cặn bã. Một phần nước sau khi qua 3 ao xử lý sẽ đưa vào tái sử dụng. Một phần nước sau khi xử lý sẽ đưa ra môi trường. Định kỳ 6 tháng 1 lần, Cty CP lấy mẫu nước thải của ao nuôi để quan trắc, phân tích, so sách với QCVN 40:2011/BTNMT-Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước thải công nghiệp. Qua đó, các thông số đều đạt giá trị giới hạn cho phép.
“Riêng trường hợp người dân Điền Hương phản ánh, Cty CP sử dụng hóa chất tẩy các ao hồ sau vụ nuôi là không có. Các Farm chỉ dùng nước và chổi để chà cho sạch ao nuôi. Nếu sử dụng hóa chất sẽ ảnh hưởng đến việc nuôi tôm. Về vấn đề người dân Điền Lộc phản ánh nước giếng bị mặn do Cty nuôi tôm cũng không có cơ sở, bởi ngoài Cty CP, còn một số công ty khác cũng nuôi tôm trên địa bàn xã Điền Lộc. Còn về nguyên nhân gây mặn các giếng nước, Cty CP không xác định được nguyên nhân”. Ông Ekkalak Tattana khẳng định.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định: Ngoài việc Cty CP phải quan trắc kết quả nguồn nước thải 6 tháng 1 lần theo quy định, Chi cục từng quý cũng lấy mẫu nước biển ven bờ vùng Ngũ Điền để quan trắc. Theo đó, từ năm 2000 đến nay, vùng nước biển ven bờ khu vực Ngũ Điền, các thông số đều trong giới hạn cho phép, không có điều gì bất thường xảy ra. Riêng việc người dân phản ánh nguồn nước giếng bị mặn có thể do nhiều nguyên nhân. Chúng tôi kiến nghị, UBND tỉnh giao cho các cơ quan chuyên môn phối hợp điều tra nguyên nhân xảy ra hiện tượng này, tránh gây sự hiểu nhầm của người dân.
“Thời gian tới, chúng tôi đã có kế hoạch lắp đặt trạm quan trắc Online nguồn nước biển ven bờ khu vực vùng Ngũ Điền để theo dõi chất lượng nước biển với tần suất 24/24 giờ. Qua đó, giám sát những bất thường xảy ra để có hướng xử lý”. Ông Hùng khẳng định.
Đầu năm 2020, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phong Điền kiểm tra việc xả thải của Cty CP theo phản ánh của người dân. Tại thời điểm kiểm tra, do Cty CP chưa tiến hành nuôi tôm và không có nước thải nên đoàn đã không lấy mẫu giám định nguồn nước. Qua đó, đoàn kiểm tra yêu cầu Cty CP chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Sở Tài Nguyên và Môi trường kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Phong Điền và các phòng chuyên môn huyện thường xuyên theo dõi, kiểm tra các cơ sở nuôi thủy sản trên địa bàn huyện để kịp thời có phương án xử lý nếu có hiện tượng xả nước thải không qua xử lý ra môi trường bên ngoài.
UBND huyện Phong Điền tăng cường công tác trao đổi, đối thoại với cử tri, các hộ dân sinh sống trong vùng có hoạt động nuôi trồng thủy sản; đồng thời tăng cường giám sát các cơ sở hoạt động nuôi trồng thủy sản, kịp thời thông tin chính xác cho chính quyền địa phương để có phương án xử lý và báo cáo cấp trên rà soát xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Bài, ảnh: Hải Huế