Phương tiện vận tải hành khách ở bến xe phía Nam, TP. Huế thuộc diện giảm chi phí bảo trì đường bộ theo Thông tư 74

Giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Quy định trên do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện từ ngày 10/8 đến hết năm 2020 tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trong toàn quốc. Theo đó, cá nhân, DN, HTX được giảm trừ phí bảo trì đường bộ phải là xe kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa.

Ông Giáp Văn Hòa, Giám đốc Chi nhánh Taxi Vàng tại Huế chia sẻ, với hơn 10 năm hoạt động trên lĩnh vực vận tải hành khách, chưa khi nào đơn vị phải đối mặt với khó khăn khi dịch COVID-19 xảy ra. Hầu hết các phương tiện trong thời gian phải "nằm bãi" vì mọi hoạt động vui chơi giải trí, kinh doanh du lịch ở địa phương gần như đóng cửa. Hiện Taxi Vàng tại Huế có gần 100 phương tiện thuộc diện giảm phí bảo trì đường bộ trong đợt này nên từ lãnh đạo đến đội ngũ nhân viên rất mừng.

Ông Hòa nói: “Trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng dịch COVID -19 hiện nay, việc DN được chia sẻ khó khăn là rất quý. Nếu tính theo mức giảm 10% theo Bộ Tài chính đưa ra thì DN cũng tiết kiệm một khoản tiền đáng kể. Tiền giảm được đơn vị chuyển sang thanh toán các chi phí bến bãi, lương cho nhân viên... để duy trì hoạt động".

Ông Trần Sĩ Cuộc, Giám đốc HTX Ô tô Huế chia sẻ, hiện đơn vị hơn 90 phương tiện vận chuyển hành khách và hàng hóa chạy hơn 20 tuyến cố định đến nhiều tỉnh, thành khu vực Bắc và Nam. Nếu áp dụng theo loại xe và mức phí bảo trì đường bộ, HTX Ô tô Huế được giảm từ 10- 30% tương đương số tiền trên 24 triệu đồng cho toàn bộ phương tiện của đơn vị.

Thống kê của Sở Giao thông Vận tải, hiện ở Thừa Thiên Huế  có gần 700 đơn vị, DN, HTX tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách với hơn 7.000 phương tiện; trong đó 2.152 xe phương tiện vận tải hành khách. Hầu hết các phương tiện trên nằm trong danh sách được giảm trừ phí bảo trì đường bộ, như loại xe kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách, xe buýt, xe hợp đồng du lịch, xe đưa đón học sinh, công nhân…

Điều kiện thuận lợi cho các chủ xe

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Thông tư số 74/2020/TT-BTC (Thông tư 74) ngày 10/8/2020 của Bộ Tài chính về việc giảm thu phí sử dụng đường bộ đối với phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách đã được các trung tâm đăng kiểm triển khai việc bù trừ, giảm phí theo quy định. Thông tư 74 quy định, ô tô kinh doanh vận tải hành khách gồm ô tô chở người, các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng, sẽ chỉ nộp phí bằng 70% mức thu đang áp dụng tại Thông tư số 293/2016/TT-BTC (Thông tư 293) ngày 15/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ. Đối với xe tải, ô tô chuyên dùng, xe đầu kéo, mức phí nộp bằng 90% mức thu hiện hành.

Trong thời gian thông tư có hiệu lực, xe ô tô chuyển từ không kinh doanh vận tải sang kinh doanh vận tải thì thời điểm áp dụng mức phí theo quy định tại thông tư này tính từ ngày ô tô được ghi nhận trong chương trình quản lý kiểm định của Cục Đăng kiểm Việt Nam là ô tô kinh doanh vận tải. Trường hợp ô tô đã được nộp phí sử dụng đường bộ theo mức phí quy định tại Thông tư số 293 cho thời gian từ ngày 10/8 đến hết năm thì chủ xe sẽ được bù trừ số tiền phí chênh lệch vào số phí phải nộp của chu kỳ tiếp theo. Đơn vị đăng kiểm chịu trách nhiệm tính bù trừ tiền phí cho chủ xe vào chu kỳ tiếp theo. Từ đầu năm 2021 trở đi, các quy định nộp phí trên sẽ trở lại quy định trước ngày 10/8, theo quy định ban hành kèm Thông tư số 293/2016/TT-BTC.

Ông Dương Phúc Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tỉnh cho biết, việc giảm phí sử dụng đường bộ là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay ngành Vận tải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Sau khi thông tư ra đời, trung tâm đã tạo điều kiện để các chủ phương tiện thực hiện miễn giảm phí bảo trì đường bộ theo quy định của Bộ Tài chính. Chủ phương tiện khi đến đăng kiểm phương tiện được nhân viên trung tâm hướng dẫn các thủ tục nhanh gọn nhằm tạo thuận lợi và tiết kiệm thời gian cho các chủ xe. Từ ngày 10/8 đến ngày 5/9, trung tâm đã áp dụng chính sách giảm trừ phí bảo trì đường bộ cho hơn 460 xe kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách.

Bài, ảnh: MINH VĂN