Ảnh minh họa

Bộ Giao thông vận tải cho biết, tại Việt Nam, mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) bắt đầu được thực hiện từ năm 1997 khi Chính phủ ban hành Nghị định 77/CP về quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT áp dụng cho đầu tư trong nước. Từ đó đến nay, cả nước đã có 336 dự án PPP được ký kết hợp đồng, huy động được hơn 1.609 nghìn tỷ đồng vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia.

Hiện nay, hầu hết các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư của Bộ Giao thông vận tải đều tập trung ở lĩnh vực đường bộ. Đối với 67 dự án PPP do Bộ Giao thông vận tải quản lý, tỷ suất lợi nhuận chủ yếu được xác định thông qua đàm phán giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư.

Nhằm từng bước hoàn thiện khung pháp lý về PPP, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 quy định về lĩnh vực, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trong đó quy định các Bộ quản lý chuyên ngành chủ trì ban hành khung lợi nhuận cho các dự án PPP thuộc phạm vi quản lý của ngành.

Trong những năm qua, Bộ Giao thông vận tải đã và đang rất tích cực chuẩn bị thực hiện dự án PPP của cả năm lĩnh vực, nhưng tới nay hầu hết mới chỉ triển khai ở các dự án đường bộ.

Mặt khác, tháng 6 năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật số 64/2020/QH14 quy định về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành các văn bản dưới luật để hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, trước yêu cầu gấp rút triển khai thực hiện đầu tư các dự án PPP, Bộ Giao thông vận tải xây dựng Thông tư khung lợi nhuận theo quy định của Nghị định 63/2018/NĐ-CP.

Để đáp ứng yêu cầu chuẩn bị đầu tư các đoạn tuyến thuộc dự án đường bộ cấp thiết, khung lợi nhuận của nhà đầu tư dự án PPP lĩnh vực kết cấu hạ tầng đường bộ được ưu tiên xây dựng. Khung lợi nhuận cho các chuyên ngành khác sẽ được nghiên cứu xây dựng và ban hành trong thời gian tới.

Xác định khung lợi nhuận của nhà đầu tư

Theo dự thảo, đối với trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, tỷ suất lợi nhuận nhà đầu tư tính toán trong giai đoạn lập, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án không vượt quá 15,2%. Tỷ suất lợi nhuận chính thức của nhà đầu tư được xác định thông qua đấu thầu theo quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp chỉ định nhà đầu tư, tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư tối đa không vượt quá 10,6%.

Theo baochinhphu.vn