Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đại Vui. Ảnh: ANH PHONG
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT, dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh đến tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới. Tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ không đạt được mục tiêu đề ra. Trong bối cảnh đó, việc EVFTA có hiệu lực có ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế, giúp doanh nghiệp (DN) lấy lại đà tăng trưởng hậu dịch bệnh.
Bởi, EVFTA là hiệp định toàn diện, chất lượng cao, có mức cam kết cao nhất và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. EVTFA đem lại nhiều lợi ích, nhất là thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm... Những cam kết mở cửa thị trường sâu rộng sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho DN tăng kim ngạch xuất khẩu, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt trong những lĩnh vực tiềm năng như dệt may, da giày, nông thủy sản...
Ngành nào được xem là có nhiều triển vọng khi gia nhập EVFTA, thưa ông?
Nông nghiệp được dự báo là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất từ EVFTA. Nhiều mặt hàng sẽ được giảm thuế về 0%; đối với thuỷ sản khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xoá bỏ, 50% dòng thuế còn lại cũng sẽ được xoá bỏ trong lộ trình 5 –7 năm. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành nông sản sẽ tăng đáng kể cho tới năm 2025 nhờ EVFTA. Ở một khía cạnh khác, hội nhập cũng tạo thêm việc làm giúp người nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp sang các lĩnh vực khác, góp phần cải thiện đời sống cho người nông dân.
Tiếp đó là ngành chế biến, chế tạo, cụ thể nhất là ngành dệt may. Đây là ngành tỉnh có lợi thế và tiềm năng. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh so với kịch bản không có hiệp định.
Dệt may có nhiều triển vọng về thị trường trong thời gian tới
Về nhập khẩu, DN cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn, đặc biệt là các loại máy móc, thiết bị, công nghệ/kỹthuật cao sẽ giúp nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, khi hàng hóa, dịch vụ từ EU nhập khẩu vào sẽ tạo ra một sức ép cạnh tranh để DN nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh.
Đó có thể xem là cơ hội tốt để thu hút đầu tư FDI cho tỉnh?
“Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 111 dự án (DA) đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3.828,17 triệu USD; trong đó có 18 DA được đầu tư từ các nước trong khu vực EU, với số vốn 215 triệu USD (nổi bật là 2 DA sản xuất bia của Đan Mạch với tổng vốn đăng ký là 122.706 triệu USD và DA Hue Amusement & Beach Park của Tây Ban Nha với tổng vốn đăng ký 47 triệu USD). Nếu làm tốt công tác thu hút đầu tư lĩnh vực FDI sẽ là động lực cho nền kinh tế, không chỉ đóng góp vào ngân sách mà còn giải quyết việc làm cho lao động, đảm bảo an sinh xã hội”, ông Nguyễn Đại Vui. |
Khi chúng ta tích cực và chủ động tham gia EVFTA, một đối tác quan trọng trên thế giới được hình thành, sẽ có lợi thế trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các DN châu Âu. Môi trường đầu tư mở hơn và thuận lợi hơn, khi triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam nhiều hơn. Đặc biệt là các lĩnh vực như dịch vụ, tài chính, ô tô, chế biến chế tạo, công nghệ thông tin, công nghệ cao, nông sản thực phẩm chế biến... Hiệp định Bảo hộ đầu tư - EVIPA sẽ có hiệu lực sau khi được Quốc hội tất cả các nước thành viên EU phê chuẩn cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng trong thời gian tới.
Để thực thi hiệu quả EVFTA, theo ông, cần triển khai thực hiện những giải pháp, nhiệm vụ nào?
Sở KH&ĐT đang tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng, trong đó có nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN; chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ DN thực hiện chương trình chuyển đổi số.
Tiếp tục triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết 02 của Chính phủ; Nghị quyết số 68 của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Thực hiện các giải pháp duy trì và nâng cao xếp hạng các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính như PCI, PAPI, PAR Index…; triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ngành và địa phương cấp huyện (DDCI).
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA cho các đối tượng liên quan, chịu tác động như các hiệp hội ngành nghề, HTX, cộng đồng DN... thông qua các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử, các lớp tập huấn, hội thảo... là việc làm cấp thiết.
Nghĩa là công tác xúc tiến đầu tư cũng phải thay đổi để thích ứng với tình hình mới?
Đúng vậy! Ngoài đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư..., chúng tôi sẽ thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Theo đó, tập trung vào các lĩnh vực mà EU có thế mạnh và tỉnh có tiềm năng như: dịch vụ du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, DA có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Xin cảm ơn ông!
HOÀNG LOAN (Thực hiện)