Anh Đặng Quang Thanh chăm sóc vùng nguyên liệu tràm của gia đình

Cạn kiệt nguồn tràm tự nhiên

Thống kê trên địa bàn huyện Phong Điền có 18 CSSX tinh dầu tràm đang hoạt động. Trước đây, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất tinh dầu tràm chỉ dựa vào nguồn khai thác tự nhiên. Nghề hái lá tràm để bán một thời gian rất thịnh đối với nhiều hộ dân vì cho  thu nhập khá ổn định.

Theo ông N.T.H, một hộ dân khai thác tràm tự nhiên ở xã Phong Hiền (nay đã bỏ nghề), nghề hái lá tràm một thời gian rất “hot”, bởi ngoài hái tràm, người dân còn thu hoạch cây chổi đem bán. Một ngày, người dân hái tràm, chổi có nguồn thu từ 300-500 ngàn đồng. Do lượng người đi hái ngày càng nhiều, rầm rộ nên lượng lá tràm, chổi cạn kiệt.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền thừa nhận: Hiện nay, trên địa bàn xã còn rất ít rừng tràm tự nhiên do số lượng người khai thác quá nhiều. Do cây tràm tự nhiên không ai quản lý nên họ khai thác vô tội vạ, thậm chí chặt cả cây khiến cây tràm chết nhiều, dẫn đến tình trạng sạt lở, cát bay… Để chấn chỉnh tình trạng này, xã đã quán triệt đến tận thôn, vận động người dân không tham gia hái lá tràm tự nhiên. Ai có nhu cầu phải có đơn để khoanh vùng, giao quản lý, khai thác. Xã đã cắm 24 biển báo cấm khai thác, thu hái cây tràm gió, chổi và các loại cây bản địa, cây mọc tự nhiên trên các trục đường liên thôn, liên xã, vùng có tràm tự nhiên.

Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, trước đây, trên địa bàn huyện có 90ha rừng tràm tự nhiên, nhưng đến nay diện tích này giảm xuống chỉ còn một nửa. Nguyên nhân chính là do nạn khai thác bừa bãi, vừa khai thác hết lá vừa chặt phá, khiến cây chết tập trung chủ yếu ở các địa phương Phong Hiền, Phong An, Điền Hương… Hiện, tất cả các địa phương đã cắm nhiều biển báo cấm người dân không được hái lá, chặt phá rừng tràm tự nhiên.

Quy hoạch vùng trồng

Đi đầu trong phát triển vùng nguyên liệu tinh dầu tràm là CSSX tinh dầu tràm Thanh Vui tại thôn Hiền An 2 (Phong Xuân, Phong Điền). Năm 2016, cơ sở này đã đầu tư trên 700 triệu đồng để phát triển 2,5ha tràm Năm Gân (tràm Úc); đồng thời tự ươm bầu nhân giống cung cấp cho người dân trong vùng. Riêng năm 2020, cơ sở đã cung cấp 20 vạn cây giống phát triển vùng nguyên liệu tràm.

Ông Đặng Quang Thanh, Chủ CSSX tinh dầu tràm Thanh Vui cho biết, CSSX tinh dầu tràm của ông là nghề truyền thống do cha ông là Đặng Quang Càng làm từ năm 1975. Trước đây, cơ sở thu mua nguyên liệu của người dân trong vùng và gia đình tự đi hái lá tràm tự nhiên để sản xuất. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu ngày càng cạn kiệt nên gia đình ông phải phát triển vùng nguyên liệu để sản xuất tinh dầu tràm.

Ngoài diện tích 2,5ha tràm hiện có, ông liên kết với 15 hộ dân để phát triển thêm 10ha tràm Úc, nhằm phục vụ sản xuất, kinh doanh tinh dầu tràm ổn định. Trong đó, người dân đầu tư đất, ông cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm. Đến nay, cơ sở đã đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm tinh dầu tràm Thanh Vui.

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền cho biết, trong 2 năm qua, ngoài một số diện tích tràm người dân tự trồng, huyện đã hỗ trợ kinh phí gần 1 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương trồng mới 30 ha tràm dược liệu, nâng tổng số diện tích tràm tự nhiên và tràm dược liệu lên 73ha; đồng thời xây dựng mô hình liên kết trồng tràm để tìm đầu ra cho người sản xuất.

Hiện nay, ngành nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương rà soát lại quỹ đất phù hợp để trồng tràm thông qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng; nhất là tại những vùng cao thiếu nước, vùng đất ruộng sản xuất không hiệu quả tại các xã Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ… hướng đến, xây dựng vùng nguyên liệu tràm để cung cấp đủ cho các CSSX tinh dầu tràm trên địa bàn huyện, hạn chế tình trạng khai thác rừng tràm tự nhiên bừa bãi như hiện nay.

Nhiều CSSX tinh dầu tràm trên địa bàn huyện Phong Điền đã quy hoạch vùng trồng tràm để làm nguyên liệu như Công ty TNHH MTV Hoa Nén (Phong Hiền), Công ty CP Công Thành (Phong Sơn), hộ ông Đặng Quang Phước, Hồ Duy (Phong Xuân)…

Bài, ảnh: Hải Huế