Tân sinh viên Trường ĐH Sư phạm được hướng dẫn làm thủ tục nhập học

Mức tăng điểm chuẩn sẽ khác nhau

Vừa qua, Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu đầu vào (điểm sàn) đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên và nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ ĐH tuyển sinh năm 2020. Năm nay, phổ điểm các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) đều cao, nên điểm sàn của hai nhóm ngành này tăng lần lượt từ 0,5 - 1 điểm.

Theo điểm sàn Bộ GD&ĐT công bố, nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ ĐH là 18,5 điểm. Riêng đối với các ngành giáo dục thể chất, huấn luyện thể thao, sư phạm âm nhạc và sư phạm mỹ thuật thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng chung 1 điểm. Đối với khối ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, nếu năm 2019 có mức điểm sàn từ 18 - 21 điểm thì năm nay, hội đồng điểm sàn khối ngành đào tạo sức khỏe xác định và thống nhất ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ngành y khoa và răng hàm mặt là 22 điểm; y học cổ truyền và dược học là 21 điểm; các ngành còn lại là 19 điểm.

Điểm sàn tăng chắc chắn tác động đến điểm chuẩn. PGS.TS. Hoàng Bùi Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế cho biết, phổ điểm các môn khối B năm nay đều cao hơn năm ngoái từ 2 – 3 điểm nên điểm sàn nhóm ngành sức khỏe tăng là điều dễ hiểu, đồng thời điểm chuẩn cũng sẽ tăng so với năm 2019. Để xác định mức điểm chuẩn cụ thể phải chờ dữ liệu sau khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, song nếu dựa vào phổ điểm, có thể dự đoán mức điểm chuẩn một số ngành có thể tăng từ 2,5 – 3 điểm. “Thông thường, đối với những ngành có sức hút, thuộc “tốp trên” thì điểm sàn thường không có nhiều ý nghĩa, bởi điểm chuẩn có thể cao hơn. Tuy nhiên, mức tăng điểm chuẩn từng ngành sẽ khác nhau và phụ thuộc lượng thí sinh đăng ký xét tuyển”, PGS.TS. Hoàng Bùi Bảo phân tích.

Đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên, mức điểm chuẩn năm nay ở một số ngành được dự báo có thể không cao hơn nhiều so với sàn. PGS.TS. Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế cho rằng, tuy cao hơn 0,5 điểm so với mức điểm sàn năm 2019, nhưng trên thực tế, mức điểm l8,5 là khá cao. Mỗi ngành sẽ có mức điểm chuẩn khác nhau nhưng khả năng sẽ có một số ngành trong nhóm ngành đào tạo giáo viên lấy điểm chuẩn ở mức cận sàn.

Theo đại diện Hội đồng tuyển sinh ĐH Huế, ngoài các ngành do các cơ sở giáo dục tự xác định điểm sàn thì hai nhóm ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe do Bộ GD&ĐT quy định điểm sàn. Năm 2019, nhiều ngành ở khối ngành sư phạm có điểm chuẩn bằng với điểm sàn mà Bộ GD&ĐT quy định (18 điểm). Với Trường ĐH Y Dược, ngoài ngành y tế công cộng có mức điểm chuẩn năm 2019 là 16,5 thì mức điểm chuẩn các ngành còn lại tại trường này trong năm ngoái từ 18,25 - 25 điểm. Tuy nhiên, điểm chuẩn sắp tới được công bố có thể khác nhiều khi tuyển sinh năm nay có nhiều thay đổi.

Thí sinh vẫn có nhiều cơ hội

Những ngày qua, không ít thí sinh bày tỏ lo lắng khi phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cao hơn, đồng thời điểm sàn nhóm ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe cao hơn. Nhiều thí sinh cho rằng, những ngành do các cơ sở đào tạo công bố điểm sàn thì điểm chuẩn có thể dễ đoán hơn. Lý do là mức điểm sàn đó sát với tình hình tuyển sinh của đơn vị đó hơn. “Có thể căn cứ mức điểm sàn và chuẩn từng năm của các ngành và phổ điểm để đưa ra dự đoán. Đối với các nhóm ngành do Bộ GD&ĐT quy định, điểm sàn dựa trên phổ điểm chung toàn quốc nên khó đoán điểm chuẩn hơn”, Thảo Ly, thí sinh vừa thi tốt nghiệp THPT năm 2020 nhận định.

Trên thực tế, lo lắng của thí sinh về mức điểm chuẩn sẽ tăng cao chưa hẳn đã đúng. Theo TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và công tác sinh viên ĐH Huế, sau thời gian thí sinh điều chỉnh nguyện vọng cả với hai hình thức là trực tuyến (từ 19 – 25/9) và bằng phiếu đăng ký xét tuyển (từ 19 – 27/9), còn phải tiến hành lọc ảo, phân tích dữ liệu mới có thể đưa ra mức điểm chuẩn. Vì thế, thông tin phổ điểm, điểm chuẩn các năm, điểm sàn năm nay chỉ là căn cứ để tham khảo khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng. Điểm chuẩn chắc chắn không dưới sàn, nhưng mức điểm bao nhiêu còn phụ thuộc vào lượng thí sinh đăng ký xét tuyển và chỉ tiêu thông báo tuyển sinh.

Nhiều chuyên gia cho rằng, căn cứ xác định điểm chuẩn luôn dựa trên các điều kiện thực tế, những dự đoán về điểm chuẩn, đặc biệt ở trên mạng chưa hẳn đã đúng. Khi đã xác định được ngành yêu thích và có cơ hội trúng tuyển, thí sinh có thể tham khảo thêm tư vấn từ những người có kinh nghiệm trước khi điều chỉnh nguyện vọng, tránh vì những lo lắng mà đánh mất cơ hội học ngành mình đam mê.

Bài, ảnh: Hữu Phúc