Thường không la hét ầm ĩ, cũng chẳng tra hỏi vì sao. Tâm trí Thường mơ mơ hồ hồ. Trong đau đớn đến tê dại, ý nghĩ sẽ bỏ chồng ngày càng rõ rệt. Cô tránh không nói chuyện, mỗi khi Trung tìm cách bày tỏ hối lỗi, cầu xin vợ tha thứ.

Đất quê Thường rộng, nhưng cằn cỗi. Nhà đông con, lại nghèo, nên dù thông minh và đỗ vào đại học, nhưng Thường vẫn phải ở nhà, xuống chợ bán đậu phụ, giúp cha mẹ nuôi các em. Buôn bán ở chợ đến năm hai bảy tuổi, cô bạn thân thủơ nhỏ, có việc, có nhà ở thành phố rủ: “Mấy đứa em mi đã cứng cáp cả. Mi theo tau đến thành phố kiếm việc làm, để còn kiếm tấm chồng, xây cái tổ ấm. Có nhà tau là mi có chỗ ở. Đừng lo. Chứ tuổi này ở quê mình coi như ế!”. Thường gật. Vậy là liều ra khỏi lũy tre làng.

Căn nhà của vợ chồng bạn nhỏ xíu. Chồng bạn là bộ đội làm nhiệm vụ tại tỉnh khác, thành ra Thường thoải mái tá túc. Ở phố, các khu công nghiệp nhiều, Thường dễ dàng được nhận vào làm công nhân tại một nhà máy dệt. Cô bạn là công chức, dẫn về mấy anh đồng nghiệp cùng cơ quan, mai mối cho Thường. Sẵn có làn da trắng, đôi mắt to tròn và cái miệng cười tươi, lại không còn tất bật lội chợ, Thường xinh và mơn mởn hẳn. Mấy anh đồng nghiệp của bạn năng quà cáp, mời đi ăn, uống, bắn tín hiệu, nhưng Thường không cảm nhận được sự kết nối trong tâm hồn, nên chỉ cười.

Đến lúc gặp Trung, anh công nhân cơ khí, có dáng cao cao, ốm ốm, kiệm lời, chịu thương chịu khó, hay lặng lẽ giúp đỡ những người xung quanh, thì Thường “đổ”. Trung cũng từ nơi khác một thân một mình đến thành phố. Dắt nhau đi thuê phòng trọ nhỏ, thiếu thốn và vất vả đủ điều, nhưng vợ chồng vui vẻ, quấn quýt.

Vốn thông minh và lanh lợi, Thường muốn quay lại buôn bán, chứ cả hai vợ chồng cùng làm công nhân, thì biết bao giờ mới có thể rời cái phòng trọ. Thường là lấy các loại rau, củ, thịt, cá, các loại nhu yếu phẩm ở chợ đầu mối lớn nhất thành phố, cũng có nghĩa hàng hóa tươi ngon mà giá rẻ nhất, chất lên chiếc xe máy, chạy lên huyện miền núi bỏ mối cho các hàng quán, kiếm lời. Như vậy có nghĩa, Thường phải ra chợ từ một, hai giờ sáng lựa hàng, rồi lại phải chạy giữa khuya khoắt quãng đường đèo dốc bảy, tám chục cây số. Nghĩ đến điều đó, Trung lắc đầu quầy quậy. Thường năn nỉ ỉ ôi mất mấy tháng, Trung đành đồng ý.

Thường đi buôn cách nhật, mỗi chuyến sẽ kết thúc vào tầm giữa trưa. Có lần, bạn Thường tấm tắc: “Cả chuyến trăm mấy cây số, lại phải thức khuya dậy sớm, mà khi mô về đến nhà mặt mi cứ tươi roi rói. Nắng le lưỡi cũng cười. Mưa lút mặt cũng cười. Tau phục mi thiệt đó”. Lại cười, nhưng Thường bảo: “Mệt chết được. Nhưng về đến ngõ là tau cười, để lão Trung nhà tau khỏi lo. Mà vui cũng đáng. Tau đi có mệt thiệt, nhưng về nhà con cái ăn uống, học hành, tinh tươm, ngoan ngoãn. Điện đóm, nước nôi và vật dụng trong nhà lúc nào cũng đảm bảo chắc chắn, an toàn. Nhà tau bão cũng không sợ. Mưa cũng chẳng lo. Lão cũng đi làm kiếm tiền, như rứa phải đầu tắt mặt tối hơn tau nhiều”. Bạn Thường: “Rứa mà mỗi khi chồng tau về phép, lão Trung sang nhà cùng khề khà vài ly, lần nào cũng xuýt xoa thương, bảo mi vất vả nhất. Vợ chồng yêu thương nhau là nhất mi hè”.

Nhặt nhạnh được số vốn kha khá, Thường quay sang buôn bán lớn, lấy vải vóc, áo quần từ thành phố Hồ Chí Minh nhập sỉ cho nhiều quầy ở chợ lớn nhất thành phố, nhiều shop thời trang. Cô sang cả thành phố Quảng Châu của Trung Quốc để lấy hàng. Nhà Thường đổi mấy lần. Bỏ nhà trọ, mua được căn nhà cấp bốn. Đến năm thằng cu lớn tám tuổi, con bé út năm tuổi, thì vợ chồng Thường mua đất, xây nhà hai tầng, kiến trúc kiểu Pháp, đẹp lung linh. Bây giờ, con bé út của vợ chồng Thường chín tuổi, bắt đầu vào lớp ba. Nhà bốn phòng ngủ. Con cái mỗi đứa một phòng. Người giúp việc ở phòng trống, nơi dành cho mỗi khi nhà có khách.

“Vợ chồng tau tin tưởng, yêu thương nhau đến như rứa tê mà. Tau cứ nghĩ cuộc sống gia đình mình ngày càng viên mãn. Không ngờ…”.  Thường khóc nấc. Bạn Thường bảo: “Tau cũng không ngờ chuyện như rứa lại xảy ra với mi. Không biết phải khuyên mi như răng. Thôi thì, mi về quê một chuyến. Về quê, đôi khi tỉnh trí hơn. Lúc đó quyết định chuyện chi cũng sáng suốt hơn. Nhân tiện, tau nhờ mi cầm ít quà phố về cho dì Hoa tau”.

Nhà dì ruột của bạn ở cuối xóm. Hồi nhỏ, hai đứa thường hay ra nhà dì để ăn ké khoai lang nướng, sắn nướng. Thực ra ở quê, khoai sắn nhà nào cũng trồng. Nhưng khoảnh đất rộng trước nhà dì Hoa lại trồng toàn hoa, mùa nào cũng có hoa nở, nên lũ trẻ trong xóm rất thích. Thích nhất là mùa thu, hoa cúc vàng rực rỡ. Cái màu sắc mãnh liệt và ấm áp.

Nhà dì Hoa có bảy người con cả trai lẫn gái. Các anh chị rất vui vẻ, còn vợ chồng dì Hoa thì xởi lởi, miệng luôn cười, nhiệt tình mời mọc khoai, sắn khi có đứa trẻ nào đến nhà làm khách. Trong xóm, cả người lớn lẫn trẻ nhỏ ai cũng đều yêu mến gia đình dì Hoa.

Dì Hoa năm nay 76 tuổi. Chồng dì bệnh, mất cách đây mười hai năm. Các anh chị con của dì Hoa, anh cả đã năm hai và chị gái út ba bảy tuổi, lập gia đình riêng. Nhưng các anh chị đều ở trong xóm và xóm bên, cũng tiện chạy lui chạy tới thăm mon mẹ.

Bây giờ là mùa thu. Hoa cúc vàng rực rỡ trước khoảnh sân nhà dì Hoa khiến lòng Thường ấm lại. Nhà dì Hoa đông đúc. Hôm nay đâu phải lễ, tết hay ngày giỗ chồng của dì, sao các anh chị đều về đông đủ thế này. Lại có người phụ nữ luống tuổi và cậu thanh niên lạ hoắc, nhưng mặt mũi, tướng tá giống chồng dì Hoa như đúc. Trên mặt cả chủ nhà lẫn khách đều lộ vẻ xúc động. Dì Hoa bảo Thường: “Lâu rồi mới thấy con về quê. Cả gia đình dì đang định ra nghĩa trang thắp cho bố mấy đứa nén hương. Nếu được, con cùng đi, thắp hương cho ông nhà dì luôn. Hôm nay ruột thịt nhà dì đoàn tụ”.

Thường thấy câu nói của dì Hoa có vẻ lạ. Nhưng khi mấy anh chị và cậu thanh niên lạ đặt bó cúc vàng cắt từ vườn nhà, cùng quỳ xuống trước mộ, dì Hoa khấn: “Ông à, hôm nay thằng Trần, con trai út nhà mình chính thức đến chào cha. Tôi, các con và mẹ ruột của Trần đã ra tòa án làm xong thủ tục truy nhận cha cho con rồi. Tôi biết ông vui. Con nó cũng vui lắm”, Thường hiểu câu chuyện.

Mấy chục năm trước, chồng dì Hoa “lỡ” yếu lòng trước hoàn cảnh mẹ Trần. Người phụ nữ quá lứa lỡ thì ở làng bên, tha thiết “xin” ông đứa con. Chỉ như vậy, chứ không dám làm xáo trộn, đổ vỡ hạnh phúc người khác. Khi có Trần, bà bỏ làng đến xứ khác làm thuê làm mướn, sinh con, nuôi con một mình. Hay tin chồng dì Hoa mất, mẹ Trần mới trở về làng. Nhưng cũng không dám đến xin nhận cha cho con. Đến nay, trước khi lấy vợ, Trần tha thiết mong được biết gốc gác của mình, được gọi một tiếng cha, được báo với cha chuyện lớn nhất của đời người. Bao nhiêu đêm suy nghĩ, mẹ Trần mới quyết định dắt con trai đến nhận lỗi với dì Hoa.

Dì Hoa rưng rưng: “Ban đầu, dì sốc lắm con ạ. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, thì ai cũng có thể phạm sai lầm. Ông nhà dì là người có trách nhiệm, rất yêu thương vợ con, chỉ một phút yếu lòng. Có cách nào tốt hơn là tha thứ hả con. Mẹ của cháu Trần cũng tội nghiệp, đáng thương, cũng là người biết nghĩ cho người khác, biết dừng lại. Thằng Trần là máu mủ của chồng dì, ruột thịt của các con dì. Bỏ sao được. Hôm ở tòa án, cô thẩm phán giải thích, khi Trần được nhận cha, có nghĩa, nó được hưởng thừa kế một phần tài sản cha để lại. Tài sản quý thật. Nhưng tình ruột thịt còn quý hơn. Mấy đứa con nhà dì đều nghĩ như vậy, nên dì cũng nhẹ cả lòng. Hôm ở tòa án, mẹ Trần ôm chặt dì. Hai người phụ nữ bọn dì khóc, khiến cô thẩm phán và cô thư ký tòa án cũng chảy nước mắt con à”.

 

Nhìn cảnh Trần phủ phục trước mộ, nước mắt ràn rụa, Thường thấy nhói lòng. Có lẽ bao năm qua, đứa con trai chông chênh, mong nhớ người cha chưa hề biết mặt của mình biết nhường nào. Nghĩ đến cảnh hai đứa con, đứa sẽ vắng cha, đứa xa mẹ, anh em xa lìa nhau, nếu gia đình tan vỡ, Thường chợt rùng mình. Trung cũng đã rất yêu thương vợ con, có lẽ chỉ vì một lúc nào đó yếu lòng. Cho Trung một cơ hội cứ rõ ràng dần trong suy nghĩ của Thường.

Thường nhắn: “Ngày mai, anh về quê đón em”. Điện thoại Thường rung lên ngay sau đó. Tin nhắn của Trung: “Không phải ngày mai, anh và các con sẽ về quê ngay bây giờ…”.

PHẠM THÙY CHI