Nhiều ngôi trường ở các vùng trũng cũng khẳng định thương hiệu khi có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) đạt cao… Thủ khoa, á khoa và học sinh đỗ điểm cao ở các trường đại học xuất hiện không chỉ ở các lớp chuyên của Thừa Thiên Huế.
Tiết thực hành công nghệ tại Trường THPT Hai Bà Trưng
Chọn mặt, gửi vàng
Xu hướng chọn trường THPT có sự thay đổi gần đây. Không còn cảnh học sinh đổ xô đăng ký vào các trường theo trào lưu mà đã cẩn trọng chọn trường. Sau Trường THPT chuyên Quốc Học, các trường THPT Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ trở thành mơ ước của nhiều phụ huynh và học sinh Huế. Không chỉ nhiều lần được xướng danh trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh cũng như đỗ tốt nghiệp THPT 100%, đây cũng là những trường luôn có số học sinh đoạt giải cao dẫn đầu khối THPT toàn tỉnh. Đặc biệt, Trường THPT Hai Bà Trưng và hệ chuyên Trường đại học Khoa học Huế được Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tuyển thẳng khiến phụ huynh tin tưởng về chất lượng đào tạo, xem đó là “cánh cửa rộng” cho việc lựa chọn trường, ngành học của học sinh giỏi. Nhiều học bổng du học cũng đã về với các trường này để các em có cơ hội thử sức.
Không riêng Huế, ở các huyện cũng đều xây dựng những “trường điểm”, trong đó, nhiều trường có chất lượng “đầu ra” khá tốt. Ấn tượng nhất là Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Quảng Điền), có hơn 1.400 học sinh thì có đến 1/3 học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn phải viết đơn xin cấp học bổng để có điều kiện đến trường. Thế nhưng, chính ngôi trường này hàng năm có trên 99% học sinh đỗ tốt nghiệp; 70 - 80% học sinh đậu vào các trường đại học. Toàn trường có 57 em đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh thì có đến 49 em đoạt giải. Đáng nói, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, là hộ nghèo của xã, đạt đến 3 giải nhất, nhì ở các môn.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, với 9,75 điểm môn ngữ văn, em Võ Tài, học sinh lớp 12B6 Trường THPT Tam Giang (Phong Điền) lọt vào top học sinh có điểm bài thi cao nhất nước. Bất ngờ hơn khi em học văn qua chương trình dạy học trên sóng truyền hình và các lớp học online miễn phí. Nhiều em ở Trường THPT Tam Giang cũng đạt điểm môn văn cao ngất ngưởng, từ 9 đến 9,5 điểm. Theo tiết lộ, giáo viên bộ môn văn trong trường đã truyền lửa cho các em trong những ngày chống dịch COVID - 19. Chia sẻ của Tài cho thấy, học sinh ở tất cả vùng, miền đều có thể học tốt khi công nghệ thông tin đều được phủ sóng, có những người thầy tận tâm và quan trọng hơn cả là học sinh có phương pháp học, có tư duy tổng hợp tốt sẽ đạt kết quả cao.
Thương hiệu trường học được khẳng định khi có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao
Rút dần khoảng cách
Kết quả kỳ thi học sinh giỏi và đỗ tốt nghiệp THPT hàng năm cho thấy, trường huyện luôn bám sát các trường ở TP. Huế và tiếp tục khẳng định thương hiệu. Kỳ thi học sinh giỏi THPT cấp tỉnh năm học 2018 – 2019, toàn tỉnh có 698 giải thưởng thì 2/3 trong số đó thuộc về các trường huyện. Nổi bật như Phú Vang với 131 giải, tiếp theo là Phú Lộc với 102 giải. Trong số 18 giải nhất của toàn tỉnh, đã có đến 12 giải thuộc về học sinh trường huyện. Mỗi trường đều có chiến lược khác nhau. Nếu như Trường THPT Hai Bà Trưng (Huế), cơ sở vật chất được tăng cường theo hướng chuẩn hoá và đồng bộ thì ở Trường THPT Phan Đăng Lưu (Phú Vang) lại mời các chuyên gia đầu ngành về đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ giảng dạy trong trường học. Kinh phí cho chiến lược dài hơi được tiết lộ hơn 1 tỷ đồng, do cựu học sinh trong trường đóng góp.
Lý giải chất lượng giáo dục đại trà ở nhiều trường đang có sự tương đồng, nhiều hiệu trưởng cho rằng, trường lớp được đầu tư đồng bộ. Sau ngày giải phóng miền Nam, toàn huyện Phú Vang trải dài từ vùng trũng, đầm phá và ven biển chỉ có 2 trường trung học là Phan Đăng Lưu và Nguyễn Sinh Cung. Học sinh bậc trung học các xã vùng biển như Vinh Xuân hay Phú Diên phải vượt phá lên Phú Đa, đạp xe hàng chục cây số đường cát về tận Vinh Lộc hay cơm đùm, gạo bới lên học ở Trường THPT Phan Đăng Lưu. Xa xôi và cách trở lại trong bối cảnh kinh tế khó khăn khiến cho bao giấc mơ học hành dang dở.
Bây giờ đã khác, Thừa Thiên Huế có 38 trường THPT, trong đó có 27 trường ở các huyện, thị. Riêng Phú Vang, có đến 5 trường; huyện miền núi A Lưới cũng có 3 trường THPT. Thống kê cho thấy, đã có 100% số phòng học ở các huyện thị, gồm Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy và Nam Đông thuộc loại kiên cố. Con số này ở TP. Huế chỉ đạt 97,1%. Chỉ tính riêng năm học 2019 - 2020, các địa phương được đầu tư 288 tỷ đồng xây dựng trường lớp và trang thiết bị dạy học nhằm phục vụ cho chương trình đổi mới giáo dục phổ thông.
Một tiết thực hành tin học của học sinh Trường THPT Hai Bà Trưng
Xã hội hóa giáo dục
Không chỉ thỏa nguyện giấc mơ có trường mà trong thực tế các trường huyện còn được đầu tư thỏa đáng và đồng bộ. Cơ sở vật chất nhà trường được đầu tư theo hướng chuẩn hóa và hiện đại, thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong việc cập nhật thông tin. Từ đầu tư thư viện trường, xây dựng các phòng chức năng đến trang bị máy tính xách tay cho học sinh giỏi tiện việc truy cập, tìm kiếm thông tin phục vụ học tập. Thậm chí, Trường THPT Gia Hội và THPT Phú Bài được xây dựng phòng học thông minh lên đến tiền tỷ, giúp cho thầy và trò có sự tương tác, tăng khả năng tư duy và kỹ năng làm việc nhóm cho học sinh. Từ đó, các em không còn tình trạng “học chay”.
Muốn có trò giỏi cần phải có những người thầy giỏi. Việc xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được các trường đặc biệt chú trọng. Nằm ở trung tâm TP. Huế và là một thương hiệu giáo dục hàng đầu của Thừa Thiên Huế, Trường THPT Hai Bà Trưng có 108 giáo viên, trong đó, có 40 thạc sĩ, 2 tiến sĩ và 1 nghiên cứu sinh. Chỉ nằm ở “tốp giữa”, nhưng Trường THPT Cao Thắng cũng có đến 17 giáo viên có trình độ thạc sĩ trong số 72 giáo viên hiện có. Trong khi đó, ở vùng xa và gặp khó khăn, Trường THPT Vinh Xuân (Phú Vang) có đội ngũ giáo viên đáng trân trọng với 18 thạc sĩ trong số 75 cán bộ, giáo viên và 100% cán bộ giáo viên đạt chuẩn. Hay như Trường THPT Tam Giang đảm bảo tỷ lệ 2,25 GV/lớp theo quy định và 100% đạt chuẩn, trong đó có 15% trên chuẩn. Chất lượng giáo dục ở các vùng, miền trên địa bàn rút ngắn.
Ngoài nguồn kinh phí của Nhà nước, các trường không đơn độc khi được các “mạnh thường quân” và cựu học sinh tiếp sức. Chưa bao giờ phong trào khuyến học phát triển rầm rộ như bây giờ. Các em được vinh danh trong họ tộc khiến người người tự hào, quyết tâm cho con em ăn học đến nơi, đến chốn. Không có tình trạng học sinh nghèo bỏ học vì khó khăn. Không ít trường khá “rủng rẻng” khi có nguồn hỗ trợ của các cựu học sinh xây dựng nguồn quỹ hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ kịp thời học sinh nghèo học giỏi. Thầy giáo Huỳnh Thế Danh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT An Lương Đông lý giải, cứ mỗi học sinh đạt giải cao đều được các tổ chức, cá nhân thưởng 5 triệu đồng, có em nhận một lúc hơn 20 triệu đồng. Ngay khi các em đang ở trong đội tuyển, doanh nghiệp cũng tài trợ để có kinh phí bồi dưỡng trong quá trình ôn luyện.
Những trường có được thành tích tốt thường hội tụ được ba yếu tố, nỗ lực của học sinh, tâm huyết của thầy cô giáo và sự quan tâm của ngành giáo dục địa phương để có những “hạt giống tốt” nẩy lộc, vươn chồi. Không chỉ có các em học sinh đạt giải được tuyên dương, giáo viên cũng được ghi nhận và nhận thưởng tương tự. Vẫn còn trăn trở khi toàn tỉnh mới có 64,5% trường học đạt chuẩn quốc gia. Học sinh ở các lớp học đại trà vẫn không vượt qua vòng loại để đi thi học sinh giỏi cấp quốc gia. Đây là vấn đề đặt ra cho ngành giáo dục Thừa Thiên Huế về chất lượng và khát vọng vươn xa của giáo dục đại trà.
(Còn tiếp)
Bài: Huế Thu
Ảnh: Hữu Phúc