Ngay sau khi cơn bão số 5 đi qua, tôi đã vội chạy ra đường và điều mà tôi quan tâm đầu tiên là những cây xanh. Trên trang facebook của Hinh Nguyen Vo, tôi đọc được một chia sẻ: "Buồn quá! Một cây bồ đề cổ thụ trên đường Lê Duẩn, đối diện với đình làng Phú Thạnh đã không còn trụ vững được nữa sau cơn bão Noul (bão số 5/2020). Bây giờ, cây bồ đề cổ thụ này chỉ còn là kỷ niệm mỗi ngày đi bộ ngang qua đây". Tôi lướt face, nhiều lắm những chia sẻ đầy tâm trạng về cây xanh xứ Huế sau trận bão số 5.

Cây xanh đã là một thứ “quốc hồn, quốc túy” đối với người dân Huế. Ảnh minh họa: Quang Thiều

Chợt nhớ tới cố nhà văn Nguyễn Tuân. Cơn bão số 8 (bão Cecil) lịch sử đổ bộ vào Huế năm 1985 đã làm gãy đổ 3.000 cây cổ thụ. Người dân Huế coi thảm cảnh do trận bão này gây ra là “một cuộc đại tang” của cây xanh và cố nhà văn Nguyễn Tuân vốn rất nặng lòng với Huế bấy giờ đang ở Hà Nội đã bị sốc một thời gian dài. Trong bài trả lời phỏng vấn Tạp chí Sông Hương ngay sau đó, ông bảo rằng: “Con số hơn ba ngàn cây cổ thụ bị đổ trong cơn bão đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với tôi. Tôi nghĩ ngay là phải có một hành động gì đó hưởng ứng với anh em ở Huế”.

Nguyễn Tuân sốc nặng, còn với tôi và cả bạn "phây" Hinh Nguyen Vo đó là nỗi buồn khó tả, bởi vì tôi hiểu, với người Huế, cây xanh lâu nay đã là bầu bạn, là máu thịt. Nhiều lắm những con đường với những hàng cây đã đi vào ký ức người Huế. Ở Huế, còn có nhiều con đường không có lề đường để trồng và người ta đã trồng cây trong vườn để bóng mát của cây đổ ra đường cho khách bộ hành đỡ nhọc nhằn lúc nắng nôi. Và, cây xanh nơi đây không đơn thuần là trồng để lấy bóng mát. Nhà có tang gia, người Huế không quên chít khăn tang cho cây. Và nữa, Huế còn có những đường phố đi vào thi ca, nhạc họa bởi những hàng cây nổi tiếng, ví như "đường phượng bay mù không lối vào”, theo lời một bài hát của nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn.  

Đàn Nam Giao là nơi các vua Nguyễn tế trời, được đặt tại làng An Ninh vào năm 1803, thời vua Gia Long. Năm 1806, đàn được dời về phía nam, thuộc địa phận phường Trường An, thành phố Huế. Chuyện rằng, khi mới xây đàn xong, người ta trồng một cụm thông đứng biệt lập ở phía nam đàn tế tượng trưng cho vua Gia Long. Tại khuôn viên này, các hoàng thân và các quan lớn trong triều mỗi người đều trồng một cây. Ở mỗi cây, treo một tấm thẻ bài bằng đồng hay bằng đá khắc tên họ, chức tước người trồng và ngày, tháng, năm trồng. Các quan có nhiệm vụ chăm sóc cây thông của mình, nếu chết phải trồng cây khác thế vào. Năm 1834, trong một dịp lên Tế Giao, chính vua Minh Mạng đã tự tay trồng 10 cây thông ở Trai Cung. Nhà vua cho treo biển đồng khắc bài minh do chính nhà vua soạn lên trên mỗi thân cây. Cây xanh đã là một thứ “quốc hồn, quốc túy” đối với người dân Huế.

Con số 15.000 cây xanh vừa bị ngã đổ do cơn bão số 5 gây ra, gấp 5 lần so với trước đó 35 năm, do thế là một thiệt hại khó gì bù đắp nổi, và tất nhiên, đem lại bao nỗi buồn và đặt ra cho người dân Huế hành động ra sao để bảo vệ và gìn giữ hiệu quả nguồn tài sản vô giá này trước hiểm họa bão dữ thường xuyên đe dọa.

Đan Duy