Đánh giá về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, PGS TS Mai Văn Trinh cho biết, kết quả kỳ thi được sử dụng để xét tốt nghiệp THPT với độ tin cậy cao; đánh giá được công tác quản lý giáo dục, chất lượng giáo dục ở các địa phương, đồng thời hỗ trợ tốt cho công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng.   

Tiến tới thi trên máy tính với những nơi đủ điều kiện. Ảnh: LP

“Giai đoạn 2021-2025, khi chúng ta tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, thì kỳ thi tốt nghiệp THPT cơ bản giữ ổn định như năm 2020. Đặc biệt, năm 2021, kỳ thi sẽ được tổ chức như năm 2020 cả về phương thức tổ chức thi, công tác đề thi, chấm thi và công bố kết quả thi. Do đó, các nhà trường yên tâm tổ chức dạy học”, PGS TS Mai Văn Trinh cho biết.     

Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được tổ chức với mục đích xét tốt nghiệp, làm cơ sở để đánh giá chất lượng và điều chỉnh việc dạy học phổ thông, nhưng vẫn cung cấp kết quả hỗ trợ các cơ sở đào tạo tuyển sinh. Kỳ thi vẫn có 5 bài thi như năm 2020, do Bộ GD&ĐT ra đề thi thống nhất trên toàn quốc và thí sinh vẫn làm bài thi trên giấy. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Ngân hàng câu hỏi thi sẽ được chuẩn hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin ở các khâu của kỳ thi.    

Giai đoạn 2021- 2025, Bộ GD&ĐT sẽ chủ trì tiếp tục phát triển ngân hàng câu hỏi cũng như từng bước tính toán ứng dụng sử dụng máy tính trong kỳ thi này.   

Ông Mai Văn Trinh cho biết, năm 2021, song song với việc tổ chức ổn định kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT có các bước chuẩn bị để tiến hành thử nghiệm việc tổ chức thi trên máy tính để phù hợp với xu thế chung trên thế giới.    

Việc tổ chức các kỳ thi trên máy tính, kinh nghiệm quốc tế đã làm khá nhiều, nhất là các trung tâm khảo thí có uy tín. Việt Nam cũng sẽ thực hiện, nhưng được tính toán với một lộ trình mang tính khả thi. Với địa phương có điều kiện, chuẩn bị tốt cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy tính, phần mềm và đặc biệt là chuẩn bị kỹ năng sử dụng máy tính cho thí sinh, cùng với việc phát triển ngân hàng câu hỏi phù hợp và từng bước thử nghiệm và tiến tới mở rộng dần.           

Ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh: Việc đưa máy tính vào kỳ thi này cũng phải bảo đảm quyền lợi cho thí sinh cả nước, theo phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau… Tổ chức thi trên máy tính ở đâu, thời điểm nào phải được tính toán thật kỹ, nơi nào có điều kiện sẽ làm trước và chúng ta cứ làm dần dần để bảo đảm không ảnh hưởng đến các thí sinh ở vùng khó.    

Tuy nhiên, để tổ chức được kỳ thi trên máy tính, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành quy chế tổ chức thi trên máy tính, chuẩn bị cơ sở vật chất, phần mềm quản lý thi, đào tạo, tập huấn cán bộ, chuẩn bị tâm lý cho giáo viên phổ thông và học sinh. Khi có đủ điều kiện để triển khai sẽ phải thử nghiệm và mở rộng dần ở những địa phương có đủ điều kiện.    

Theo Báo Tin tức