Tư vấn mẹ mang thai chăm sóc tốt cho thai kỳ
Ngày 26/9/2007, với sự liên minh của 11 tổ chức phi chính phủ và các Hiệp hội Khoa học và Y khoa quốc tế quan tâm đến sức khỏe giới tính và sức khỏe sinh sản đã thống nhất phát động lấy ngày 26/9 hàng năm là Ngày Tránh thai thế giới, lần đầu tiên được tổ chức năm 2007 tại châu Âu.
Chủ động sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn và hiệu quả mang lại rất nhiều lợi ích cho người phụ nữ. Họ có thể chủ động về thời gian sinh đẻ, số con và khoảng cách giữa các con… Qua đó, chị em cũng có thể tránh được những tai biến sản khoa và không bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhờ việc không sinh con sớm, quá dày, quá nhiều hay quá muộn, đặc biệt khi người phụ nữ chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn sinh lý nên sẽ hạn chế được các tai biến cho bà mẹ và thai nhi. Chủ động phòng tránh thai cũng giúp mỗi gia đình nâng cao chất lượng cuộc sống. Sinh đủ hai con để có điều kiện chăm sóc và giáo dục con cái tốt hơn. Có sức khỏe, văn hóa và kinh tế tốt, chị em phụ nữ và các cặp vợ chồng có đủ điều kiện để thực hiện quyền hưởng thụ và bồi dưỡng sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản.
Ngày Tránh thai thế giới có ý nghĩa như một chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích tất cả mọi người đều có thể chủ động hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe giới tính và sức khỏe sinh sản, nhất là nhóm người trong độ tuổi sinh đẻ.
Kết quả điều tra về dân số và nhà ở gần đây nhất cho thấy, Việt Nam đang có hơn 96 triệu người; trong đó, gần 25 triệu phụ nữ đang ở độ tuổi sinh đẻ. Trung bình mỗi năm Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vẫn sẽ tiếp tục gia tăng và dự báo sẽ đạt cực đại vào năm 2027 – 2028. Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai là hơn 76%.
Theo đánh giá của ngành y tế, nhu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai sẽ tiếp tục tăng. Do đó, việc đảm bảo cung cấp dịch vụ KHHGĐ có chất lượng cho mọi người dân vô cùng cần thiết. Riêng với nhóm đối tượng vị thành niên/thanh niên càng cần phải được quan tâm đặc biệt hơn. Bởi họ phải đương đầu với nhiều nguy cơ và khó khăn liên quan đến sức khỏe sinh sản, như: thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăm sóc bản thân; mang thai ngoài ý muốn khiến phải bỏ thai; dễ rơi vào tình trạng vô sinh thứ phát…
Với mục tiêu cung cấp dịch vụ KHHGĐ có chất lượng cho mọi người, ngành y tế tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ. Đảm bảo đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai, xã hội hóa dịch vụ và các phương tiện tránh thai. Đồng thời, đảm bảo tiếp cận dịch vụ thuận tiện, giá cả phù hợp đối với các nhóm dân cư khác nhau, dần dần xóa bỏ khác biệt trong tiếp cận dịch vụ KHHGĐ giữa các vùng địa lý, mang lại lợi ích cho toàn bộ người dân, đặc biệt là cho đông bào dân tộc thiểu số và đồng bào hiện đang sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa.
Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN