Nguyễn Thành Nhân - một trong hai đồng sáng lập dự án
Ứng dụng này có thể được xem như là một người trợ lý ảo, giúp cho mỗi du khách đến Huế có thể tự mình trải nghiệm những di tích lịch sử hay thưởng thức các món ăn đặc sản mà không bị giới hạn thời gian theo tour, cũng như có đủ thông tin về địa điểm mà du khách đang đặt chân tới. Hiện tại, ứng dụng đang phát triển trên hệ điều hành Android và sẽ tiếp tục phát triển thêm trên nền tảng IOS trong thời gian tới. Để hiểu rõ hơn về Virelic, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Thành Nhân, một trong hai đồng sáng lập của ứng dụng này.
Bạn có thể cho biết ý tưởng về Virelic bắt nguồn từ đâu?
Mùa hè năm 2019, tôi trở về Huế và dẫn theo một người bạn rất thích tìm hiểu về văn hoá, lịch sử của Huế với ý tưởng giới thiệu cho cô ấy những di tích, lăng tẩm, đền đài của Huế. Thế nhưng chuyến đi ấy không được như mong muốn. Bởi, chúng tôi không muốn thuê hướng dẫn viên, muốn tự mình khám phá song kiến thức của tôi lại quá hạn hẹp. Một câu hỏi mới nảy ra: “Liệu còn bao nhiêu người nữa gặp phải vấn đề như mình?” Sau đó chúng tôi đã tiến hành một cuộc khảo sát nhỏ, 70% số người được hỏi rất muốn tìm hiểu sâu về lịch sử, văn hoá của một di tích khi họ tới thăm, nhưng họ lại rất ngại thuê một hướng dẫn viên vì nhiều lý do như chi phí, sự không thoải mái, bất tiện... Điều này còn khó khăn hơn đối với du khách quốc tế (đặc biệt là những nước không dùng chữ La - tinh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,...), vì họ phải nhớ tên địa điểm và cách ghi của chúng. Thực tế, không có nhiều sự lựa chọn cho những du khách này ngoài thuê một hướng dẫn viên đi cùng. Phải có giải pháp cho vấn đề và ý tưởng về một ứng dụng phục vụ du lịch thông minh đã ra đời.
Hiện nay, một số địa điểm du lịch đã có đặt tai nghe và mã QR thuyết minh để phục vụ du khách. Tại sao bạn vẫn quyết định thực hiện dự án này?
Với tôi, mặc dù ở một vài di tích nổi tiếng đã có chuẩn bị tai nghe và mã QR nhưng cách này vẫn chưa hiệu quả. Chúng chỉ là những tệp âm thanh được soạn sẵn, chưa chi tiết hóa và bắt buộc du khách phải tham quan theo một trình tự sắp đặt trước. Điều đó vô tình đã làm giảm sự thỏa mãn trong trải nghiệm của người dùng. Chúng tôi muốn phát triển một ứng dụng đáp ứng việc du khách có thể đi theo bất cứ trình tự nào mà họ muốn.
Bạn có thể giới thiệu thêm về Virelic?
Virelic là ứng dụng du lịch thông minh áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để cung cấp thông tin về các địa điểm du lịch, món ăn và các hình thức giải trí dưới dạng văn bản và Audio Guide. Bạn có thể đến một địa điểm du lịch bất kỳ, sử dụng công cụ chụp ảnh có sẵn trong ứng dụng để chụp hình lại, hệ thống của Virelic sẽ nhận diện và truy xuất thông tin về địa điểm, di tích lịch sử thông qua bức ảnh mà bạn đã chụp. Ngoài ra, còn có cả những câu chuyện dân gian xoay quanh di tích nữa. Tất nhiên là cần có kết nối với internet, nhưng trong thời đại 4.0 tôi nghĩ điều này là hoàn toàn khả thi với bất cứ khách du lịch nào.
Trên thị trường hiện nay cũng có một số ứng dụng phục vụ du lịch thông minh như VN Guide hay Talecity. So với các ứng dụng đó, Virelic có những điểm gì khác biệt để thu hút người sử dụng?
Theo tôi, điểm khác biệt chủ yếu của Virelic và các đối thủ cạnh tranh nằm ở phân khúc khách hàng mục tiêu và dịch vụ cung cấp. Trong khi các ứng dụng trên tập trung lên kế hoạch, cung cấp thông tin cho người sử dụng trước chuyến đi, thì chúng tôi muốn du khách có thể tiếp nhận thông tin ngay trong khi tham quan để tăng trải nghiệm. Thật hay nếu bạn đến Đại Nội, các lăng tẩm, hay một địa điểm du lịch mà bạn không biết tên, chụp một tấm hình và có đầy đủ các thông tin thuyết minh về nơi mình đang đứng mà không cần đến hướng dẫn viên du lịch.
Được biết, trong quá trình thực hiện, các bạn không thường xuyên có mặt ở Huế. Vậy, điều này đã dẫn đến những khó khăn gì?
Việc không thường xuyên có mặt tại Huế khiến chúng tôi gặp khó khăn trong việc thu thập dữ liệu hình ảnh về các di tích lịch sử và địa danh nổi tiếng để phục vụ cho việc xây dựng kho dữ liệu của ứng dụng. Rất may rằng với sự hỗ trợ của rất nhiều bạn bè, đã giúp tôi thu thập rất nhiều dữ liệu hình ảnh phục vụ cho ứng dụng. Ngoài ra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cũng giúp đỡ chúng tôi rất nhiều để hoàn thành ứng dụng này.
Trong thời điểm mà ngành du lịch đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 như hiện tại, việc phát triển một ứng dụng về du lịch liệu có phải là rủi ro hay không?
Tôi được biết, Chính phủ đang triển khai chiến lược “Việt Nam an toàn và hấp dẫn”, với nội dung khẳng định Việt Nam thành công đẩy lùi COVID-19 và sẽ tiếp tục là điểm đến an toàn cho du khách trong và ngoài nước. Cùng với đó, chúng tôi tin rằng xu hướng hành vi của khách sau đại dịch sẽ thay đổi phần nào. Họ sẽ chọn đi du lịch với các nhóm nhỏ, ít người và giảm thiểu chi phí thay vì đi theo tour như trước. Vì thế mà nhu cầu sử dụng những công cụ hỗ trợ du lịch như Virelic sẽ ngày một cao.
Bạn mong muốn những tác động gì khi đưa ứng dụng vào sử dụng thực tiễn trong thời gian tới?
Tôi mong rằng, ứng dụng này sẽ trở thành một công cụ hỗ trợ cho những trải nghiệm du lịch thú vị và hữu ích, đáp ứng các mục tiêu về du lịch bền vững mà Huế và Việt Nam đang hướng đến. Đồng thời, đây cũng sẽ là phương pháp mới mẻ để các thế hệ trẻ tiếp cận về lịch sử và văn hóa của dân tộc thông qua kho thông tin đồ sộ mà Virelic sở hữu, qua đó kích thích niềm đam mê khám phá lịch sử trong giới trẻ nói riêng và xã hội nói chung.
Cảm ơn bạn!
Hồ Ngô Đăng Trình (thực hiện)