Team LISC trong hoạt động chuẩn bị cho dự án sách song ngữ. Ảnh: LIÊN MINH

Điều này, thế giới cũng đã đặt ra từ lâu nhưng ít nước áp dụng. Nói nôm na, đánh giá chỉ số hạnh phúc tức là người dân có hài lòng với cuộc sống hiện tại không. Điều gì đã hài lòng, điều gì chưa hài lòng, mức độ hài lòng, điều gì người dân còn lo lắng… Trung bình cộng của mức độ hài lòng đang ở điểm nào…?

Bhutan một đất nước nhỏ bé chỉ hơn 770.000 dân nhưng nổi tiếng cũng chính vì chỉ số hạnh phúc. Đã có lúc Bhutan đặt ra giới hạn du khách nhập cảnh, chỉ đón 6.000 người một năm. Nay thì quy định này được bãi bỏ bằng việc Bhutan chào đón hết thảy mọi người, dù không phải là điều được Chính phủ khuyến khích. Ngày Quốc tế Hạnh phúc được lấy từ ý tưởng của quốc gia nhỏ bé này. Họ coi trọng chỉ số Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) hơn là chỉ số tăng trưởng kinh tế (GDP). Hiến pháp Bhutan còn quy định toàn lãnh thổ phải đảm bảo 60% là rừng…

Gia đình hạnh phúc sẽ tạo nền tảng tốt cho xã hội. Ảnh: Đăng Tuyên

Ở Thừa Thiên Huế, đã có lần Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhắc đến chuyện xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho Huế, ấy là trong thư ngỏ gửi thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh nhân ngày khai trường năm ngoái. Trong một bức thư ngắn, ông đã hai lần nhắc đến xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho người dân Huế. Xin được trích một đoạn: “Các bậc phụ huynh, giáo viên, các cấp chính quyền hãy cùng các em xây dựng, vun đắp vườn ươm Giấc mơ Huế để nâng cánh ước mơ và khát vọng mãnh liệt vì một Huế yên bình, hạnh phúc và phát triển”.

Tôi tìm hiểu những thông tin về Bhutan, nội hàm của việc xây dựng một cuộc sống hạnh phúc có gì đó tương đồng với Huế - cũng chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa; coi trọng việc phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường; đề cao vai trò về sự hài lòng của người dân đối với hoạt động của Chính phủ…

Chỉ số hạnh phúc của Yên Bái được xây dựng trên 3 tiêu chí: sự hài lòng về cuộc sống của bản thân người dân về điều kiện vật chất, quan hệ gia đình - xã hội; sự hài lòng về môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái; sự hài lòng về tuổi thọ. Kết quả khảo sát tại thời điểm tháng 6/2020, chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đạt 53,3% và tỉnh phấn đấu tăng 15% trong nhiệm kỳ này.

Thực ra, với vai trò của Chính phủ, dường như đất nước nào, tỉnh nào cũng mong muốn người dân được sống ngày càng hạnh phúc hơn bằng những hành động thiết thực, cụ thể. Tuy nhiên điều ấy khác với chuyện “luật hóa” (có thể hiểu dưới các dạng quy định, nghị quyết) về điều này. Khi đã được “luật hóa” thì buộc Chính phủ phải tìm mọi giải pháp để thực hiện. Thực hiện rồi thì phải được thực tế kiểm nghiệm, mà sự hài lòng của người dân là thước đo bắt buộc để kiểm chứng.

Sự hài lòng của người dân về cuộc sống khác hẳn với chuyện người dân có thu nhập trung bình bao nhiều. Có khi thu nhập của quốc gia cao nhưng chưa hẳn người dân cảm thấy hạnh phúc. Tất cả chúng ta đều biết có những quốc gia đánh đổi môi trường để có tăng trưởng. Vì tăng trưởng là một thước đo quan trọng để đánh giá sự thành công hay không thành công trong điều hành của chính phủ. Rất ít chính phủ muốn tự “lấy đá ghè chân mình” nên mới có chuyện những quốc gia, những tỉnh “luật hóa” chỉ số hạnh phúc là của hiếm.

Bởi vậy, ngay khi Yên Bái làm việc này đã nhận được sự hoan nghênh. Nếu nhiều tỉnh làm như Yên Bái, chúng ta sẽ có chỉ số Tổng hạnh phúc Quốc gia.

LÊ PHƯƠNG