Cơ sở đúc đồng Trường Sơn ở Làng nghề đúc đồng Phường Đúc (TP. Huế) đầu tư công nghệ lò nung bằng điện để giải quyết ô nhiễm môi trường

Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi ý thức chấp hành chưa cao, còn tồn tại tình trạng ô nhiễm, như ở một số bãi chôn lấp xử lý rác thải tập trung, một số nhà máy ở Cụm Công nghiệp Thủy Phương, Nhà máy Sắn ở Phong Điền, các cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở nuôi tôm công nghiệp ven biển và chăn nuôi gia súc, gia cầm... Tại những cơ sở này, phần lớn lượng xả thải cũng như tải lượng chất ô nhiễm tăng nhưng chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn.

Để ngăn ngừa phát sinh ô nhiễm, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đẩy mạnh thực hiện công tác thẩm định báo cáo ĐTM như: khảo sát thực địa trước khi hội đồng thẩm định họp đánh giá tác động môi trường đối với các dự án nhạy cảm, nằm trong khu dân cư; đồng thời mời các chuyên gia kinh nghiệm về môi trường tham gia phản biện và phản biện độc lập đối với các dự án nhạy cảm, phức tạp... Qua đó, đã phục vụ tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần BVMT và hướng tới phát triển bền vững tại địa phương.

ĐTM là một trong những cơ sở pháp lý chính để quản lý xuyên suốt quá trình chuẩn bị, xây dựng và thực hiện dự án. Tuy nhiên, Theo Luật BVMT 2014, ĐTM được thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án, nên chủ yếu mang tính dự báo tác động, chưa lường hết tất cả tác động khi triển khai dự án và đi vào vận hành. Nên theo ý kiến của cơ quan chức năng, nếu công tác thẩm định, đánh giá tác động môi trường thực hiện sau khi có báo cáo nghiên cứu khả thi thì có nhiều yếu tố, dữ liệu hơn, có thể đánh giá ĐTM kỹ hơn và đánh giá tác động sâu hơn. Cụ thể, cần nghiên cứu thực hiện ĐTM thành hai bước. Bước 1 là đánh giá tác động sơ bộ để xem xét cấp quyết định chủ trương đầu tư và bước 2 là đánh giá tác động môi trường chi tiết để đánh giá tác động và đề ra các biện pháp bắt buộc chủ dự án phải thực hiện trong suốt quá trình thực hiện dự án. Đây cũng là vấn đề cần được xem xét bổ sung, sửa đổi khi Bộ TN&MT đang dự thảo sửa đổi Luật BVMT năm 2014.

Việc xác định, lựa chọn công nghệ đầu tư cũng đóng vai trò quan trọng. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ, cần kiểm duyệt chặt công nghệ sản xuất của nhà đầu tư để đảm bảo không gây tác động xấu đến môi trường trước khi cấp phép hoạt động.

Thừa Thiên Huế đang xây dựng và phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Do đó, chủ trương của tỉnh là kết hợp tốt việc “lấp đầy” diện tích các khu công nghiệp với việc nâng cao chất lượng các dự án đầu tư vào khu này bằng cách khuyến khích, ưu đãi cho các dự án tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám, công nghệ cao, quá trình sản xuất và tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ đang xây dựng đề án thành lập khu công nghệ cao với quy mô diện tích khoảng 1.000 ha nằm trong Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô. Mục tiêu hình thành khu công nghệ cao này nhằm phát triển các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao, kinh tế tri thức, công nghiệp sạch....

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN