Thu thập tài liệu, so sánh, đối chiếu trước khi vẽ

Giới thiệu văn hóa Việt

Nguyễn Minh Ngọc là cựu sinh viên Trường đại học Ngoại thương Hà Nội. Năm 2020 này, chàng trai 9X vừa tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Lasalle - Singapore.  Minh Ngọc cho biết: “Mình sử dụng điện thoại và instagram nhiều, thấy mọi người, nhất là giới trẻ dùng emoji như một thứ ngôn ngữ tượng hình của thời đại mới. Nhưng khi mình muốn nói về Việt Nam thì lại thiếu “từ vựng”. Điều đó làm mình rất băn khoăn”.

Hiện tại, bảng danh sách emoji chỉ có một biểu tượng liên quan đến Việt Nam duy nhất, đó là lá cờ Tổ quốc. Vì thế, chàng trai 9X mong muốn tạo thêm dấu ấn Việt Nam trong kho tàng ngôn ngữ emoji toàn cầu. “Thông qua emoji, mình muốn giới thiệu văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Từ đó, dự án Nhỏ to Việt Nam ra đời với mục đích giới thiệu văn hóa Việt Nam qua emoji. Mở đầu dự án là nhóm emoji 54 dân tộc anh em.

Trang phục là nét đặc trưng nhận diện các dân tộc

Truy cập vào đường link http://instagram.com/nhoto.vietnam, hình ảnh 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc bao gồm một nam, một nữ hiện lên sinh động với trang phục truyền thống đặc trưng. Ngoài khu vực phân bố chủ yếu, quy mô dân số, ngôn ngữ dân tộc, những chi tiết thú vị, độc đáo rất riêng của các dân tộc cũng được cập nhật. Chỉ trong thời gian ngắn, dự án đã thu hút hơn 8.500 người theo dõi.

Sự khác biệt độc đáo của các emoji 54 dân tộc anh em, đó là việc tìm và hoàn thiện tư liệu. Có nhiều tư liệu dễ tìm và đối chiếu về dân tộc Kinh, Chăm, Khmer. Nhưng cũng có dân tộc quá ít tư liệu như Ơ Đu, Kháng… “Hơn nữa, việc nhập nhằng tư liệu hình ảnh của dân tộc này với thông tin của dân tộc khác rất hay xảy ra. Vì thế, điều đó càng thôi thúc mình cố gắng đào sâu, đối chiếu tài liệu”, chàng trai 9X kể.

Khó chồng khó, ngoài tư liệu, việc vẽ emoji còn rất mất thời gian. Suốt bốn tháng làm việc ròng rã, cuối cùng, tổng cộng 108 emoji đã chính thức ra mắt vào tháng 8/2020. Khi đã “trình làng”, Nguyễn Minh Ngọc cầu thị những đóng góp, ý kiến của người xem dành cho dự án. Mong các emoji hoàn thiện và chính xác hơn nữa.

Gửi gắm ước vọng

Cũng từ những kiến thức góp nhặt được, 9X Hà Nội có dịp đào sâu hơn, hiểu hơn về văn hóa dân tộc. Như cây đàn Cha-pi thuộc về dân tộc Ra Glai chẳng hạn, ở Việt Nam chỉ còn duy nhất ông Chamalea Âu biết cách làm. Hay về người Pà Thẻn duy trì lễ hội nhảy lửa kỳ bí suốt bao năm nay. Vì thế, dự án không chỉ là kiến thức chung về khu vực phân bố, quy mô dân số, ngôn ngữ dân tộc nữa. Đó còn là những đặc trưng rất riêng của mỗi dân tộc, những điều thú vị mà mỗi dân tộc có một bản sắc.

Chia sẻ về những bước đi tiếp theo, chàng trai Hà Nội nói: “Phần đầu tiên 54 dân tộc anh em đã hoàn thành. Trong giai đoạn kế tiếp, dự án sẽ nói về các món ăn, địa điểm đặc sắc, nghề nghiệp và các nhạc cụ đặc trưng ở Việt Nam”. Thông qua emoji, dự án sẽ truyền tải các giá trị văn hóa tới người xem. Ước tính chàng trai 9X sẽ thiết kế hàng trăm emoji và mất từ 1-2 năm để hoàn thành Nhỏ to Việt Nam.

Trên chặng đường dài ấy, Huế là một lựa chọn đặc trưng với nhiều giá trị văn hóa, danh lam thắng cảnh và ẩm thực đặc sắc. Nguyễn Minh Ngọc thông tin: “Khi mình làm các phần tiếp theo của Nhỏ to Việt Nam thì chắc chắn Huế cùng các món ăn và danh thắng sẽ góp mặt trong đó”. Ngoài Huế, nội dung của dự án sẽ khắc họa văn hóa đa dạng của nhiều tỉnh thành, mang người xem “vi vu” đến những miền đất khác nhau của Việt Nam thông qua những emoji ngập tràn sắc màu.

Ngoài phần đầu tiên của dự án Nhỏ to Việt Nam, Nguyễn Minh Ngọc còn cho ra mắt Bộ chữ cái COVID - 19. Trong đó, mỗi chữ cái là một ký họa nhỏ mang thông tin liên quan đến đại dịch, lan tỏa sự hiểu biết, tinh thần phòng, chống COVID-19 theo phương cách rất riêng của một nhà thiết kế đồ họa. Bộ chữ cái đã được đăng tải trên website behance.net với tên COVID-19 Recap in Letters.

Bài: MAI HUẾ - Ảnh: NVCC