Bão đến, cây cối gãy đổ, cúp điện. Lo bữa tối, chị tìm nồi để nấu cơm bằng bếp gas. Lâu nay quen nấu bằng nồi cơm điện, đến khi tìm lại cái nồi gang dày để nấu cơm, chị cũng phải cọ rửa một hồi. Tối hôm ấy, bữa cơm gia đình diễn ra như cái thời xa lắc xa lơ nào ấy, bên ánh đèn dầu tù mù, cả nhà quây quần bên mâm cơm ngày mưa bão xứ Huế với hai món ruốc kho sả và cá kho ớt. Chị bỗng có ý muốn chụp mấy bức ảnh post lên facebook về cái cảnh ăn cơm dưới đèn dầu, cái cảnh chỉ còn trong ký ức. Bỗng nhớ ra điện thoại hết pin không có điện để sạc, chị mỉm cười, nghĩ mình đúng thật đãng trí.

ối hôm ấy, cũng thật là lâu rồi, mới được ăn lại cơm cháy. Miếng cơm cháy vàng ươm, giòn rụm, chị nấu được bằng bếp gas cũng là một kỹ thuật. Thật ra, chị cũng đã qua vài lần bị cúp điện nấu cơm khê mới rút ra được kinh nghiệm nấu cơm bằng bếp gas mà vẫn có cháy vàng. Phải canh lửa để khi cơm chưa cạn nước là vặn lửa gas nhỏ lại, đến khi cơm vừa cạn thì phải hạ ngọn lửa đến mức thấp nhất, chỉ còn lại một vòng lửa xanh nhỏ như những hạt đậu mới an toàn.

Chị kể, nấu được nồi cơm cháy vàng cũng là cả một sự chú tâm: non lửa, không có cháy; già lửa thành cơm khê. Mạ chị hồi ấy tuy cũng đã lớn tuổi nhưng thích ăn cơm cháy nên bữa nào nấu cơm chị cũng cố ý để có cơm cháy vàng cho mạ và cả nhà vì ai cũng thích. Miếng cơm cháy được ăn cuối bữa như là một món... tráng miệng. Hồi ấy chị còn nhỏ, mới 12, 13 tuổi mà nội trợ đảm đang lắm. Nấu cơm bằng củi hay lá nhãn khô quét trong vườn, khi cơm vừa cạn nước một lúc là chị cời than ra một bên và vần nồi cơm xuống ủ than, kiểu gì cũng có cháy vàng. Những ngày nấu bằng lá tre hay lá chuối khô thì chịu, vì những loại lá ấy không có than.

Nấu cơm cháy “hao gạo” nên có thời mạ chị không cho nấu cơm cháy mà chỉ dặn nấu chín tới. Đó là những năm khó khăn, mua gạo theo tem phiếu, một phần gạo độn ba, bốn phần khoai sắn nên chén cơm đáy nồi thường là nhiều cơm ít độn và mạ chị luôn dành cho người con nhỏ nhất nhà. Chị nhớ có lần vì thèm cơm cháy, chị cố tình nấu quá lửa để cháy nhưng vì cố tình nên thành khê. Hôm ấy cả nhà vừa ăn cơm độn sắn vừa ăn cơm khê, chị bị mạ la khóc nước mắt ngắn dài. Cái thời của chị cũng thật lạ lùng, miếng cơm cháy đôi khi thành như món bánh kẹo. Chị nhớ nhà người bạn gái, mỗi lần mạ bạn nấu cơm cắt (cơm ăn để đi gặt lúa) thế nào bạn cũng gói miếng cơm cháy vàng ươm vào lá chuối đưa đến lớp, giờ ra chơi cả bọn xúm vào ăn ngon như ăn bánh ngọt bây giờ. Rồi kỷ niệm thời chị là sinh viên, bếp ăn tập thể của trường đại học có hai cái chảo gang to bự nấu cơm. Những tảng cơm cháy vàng ươm là món quà “trả công” của các cô nhà bếp dành cho các bạn sinh viên đến phụ nhà ăn.

Nồi cơm điện xuất hiện cũng là lúc “cáo chung” của cơm cháy. Ban đầu mọi người vui với cái sự tiện lợi mà quên bẵng miếng cơm cháy nhưng chừng lâu lâu cũng có người nhắc tới như là một sự ... thèm. Không có cơm cháy ở nhà thì cơm cháy thành món ăn đặc sản ở các nhà hàng. Con người thường không quên ký ức ấu thơ và cũng không muốn quên một món ăn vừa có hương thơm, vừa có vị ngọt, vừa tạo ra âm thanh hấp dẫn giòn rụm trong miệng nên món cơm cháy vẫn xuất hiện đàng hoàng trong các thực đơn ở những nhà hàng sang trọng.

Ký ức đôi khi thật lạ, tưởng như đã ngủ quên đâu đó rồi bỗng một hôm bừng trở lại, làm người ta không kịp giấu những giọt nước mắt nhớ thương, dù chỉ là bằng gợi nhớ của một miếng cơm cháy vàng.

XUÂN AN