Nhà chờ xe buýt mới xây dựng cạnh cổng BV Trường đại học Y Dược Huế (41 Nguyễn Huệ, TP. Huế) sẽ là mô hình mẫu cho 25 nhà chờ sắp ra đời ở TP. Huế

Theo khảo sát của PV, ngoại trừ khu vực TP. Huế, hầu hết tại tuyến huyện, thị xã, nhà chờ, điểm dừng đỗ xe buýt chưa được quan tâm.

Đơn cử trên tuyến QL1A đoạn đi qua các huyện Phú Lộc, hàng loạt điểm dừng chỉ cắm những cọc sắt gắn biển hiệu “điểm dừng xe buýt” nằm trên vỉa hè, không có mái che. Nhiều “điểm dừng xe buýt” qua địa bàn xã Lộc Bổn, Lộc Sơn (Phú Lộc) được đặt ở vị trí trên vỉa hè hẹp, thiếu an toàn cho khách đợi xe.

Ông Võ Đại Tuấn, xã Lộc Sơn (Phú Lộc) cho biết, hiện nay, xe buýt đã phủ sóng về huyện, xã. Đi xe buýt rẻ hơn rất nhiều so với xe khách; tuy nhiên hầu hết các điểm dừng xe buýt ở ngoại thành không có hệ thống nhà chờ. Ngày nắng, hành khách có thể đứng tạm dưới bóng cây gần đó để tránh nóng trong thời gian chờ đợi xe nhưng ngày mưa thì phải mặc áo mưa khi đợi.

Trên tuyến Tỉnh lộ 4, Quốc lộ 49B thuộc địa bàn Phong Điền, Quảng Điền... nhiều điểm chờ xe buýt đặt cạnh chân ruộng (đường chưa có vỉa hè). Tại các điểm này chưa có hành lang an toàn nên hành khách đi xe buýt chỉ có một lựa chọn duy nhất là đứng ngay trên lòng đường để chờ xe.

Chị Nguyễn Thị Vui, giáo viên mầm non xã Điền Hải, Phong Điền chia sẻ: “Tôi hay thường đứng chờ xe buýt trên tuyến này nên khá lo. Lúc đường vắng còn đỡ chứ vào giờ cao điểm, đường đông, nhiều xe máy, xe tải còn chen vào chỗ khách chờ xe buýt. Mong muốn không riêng cá nhân tôi là ban ngành chức năng cần đầu tư xây dựng các nhà chờ xe buýt có mái che trên các tuyến đường qua khu vực nông thôn để giúp người dân có thêm sự thuận tiện, an toàn hơn.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) thông tin, trong đề án nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng ở Thừa Thiên Huế hiện nay và sắp đến sẽ cải tạo nâng cấp toàn bộ hệ thống các điểm dừng xe buýt bảo đảm tính kết nối mạng lưới từ thành thị đến nông thôn theo hướng đồng bộ về hình ảnh, văn minh hiện đại, thân thiện, tiện ích.

Qua khảo sát, toàn tỉnh sẽ đầu tư xây dựng hơn 150 điểm dừng nhà chờ xe buýt, bình quân mỗi huyện, thị xã... có từ 25-30 điểm. Hiện nay, Sở GTVT cùng phối hợp và chuyển giao cho các địa phương chủ động rà soát đầu tư; xây dựng điểm nhà chờ xe buýt đảm bảo an toàn giao thông theo hình thức xã hội hóa hay công tư (PPP)...

Đại diện Phòng Quản lý đô thị TP. Huế cho hay, thông qua sự phối kết hợp với Sở GTVT, hiện nay, Phòng Quản lý đô thị TP. Huế đang kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng 25 nhà chờ xe buýt khang trang hiện đại, văn minh, đáp ứng yêu cầu về mỹ quan đô thị; khắc phục những hạn chế trong đầu tư, quản lý hệ thống nhà chờ xe buýt lâu nay trên địa bàn. Dự kiến, các nhà chờ xe buýt triển khai trong năm 2020, với kinh phí đầu tư 200-500 triệu đồng/nhà. Quy mô, kích thước nhà chờ tùy theo vị trí là (2m x 6m; 2m x 8m; 2m x 10m), có gắn camera quan sát, bảng thông tin điện tử led và trang bị thêm nhiều dịch vụ tiện ích, như quầy báo, tủ nước, nhà chờ xe đạp, chậu cảnh...

Ông Nguyễn Dương, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kinh tế, huyện Phong Điền cho biết, hiện tại đơn vị tham mưu lãnh đạo huyện có kế hoạch gọi mời các đối tác, tổ chức, đơn vị trong và ngoài tỉnh để đầu tư đồng bộ hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt trên địa bàn theo hướng văn minh hiện đại. Dự kiến, dự án này sẽ triển khai vào năm 2021 và khi đưa vào hoạt động sẽ tạo một phần diện tích cho các đơn vị, doanh nghiệp thuê trang trí quảng cáo để thu hồi vốn...

Bài, ảnh: Song Minh