Bước vào đầu năm học này, thấy báo chí thông tin: sinh viên sư phạm được hỗ trợ chi phí học với số tiền không hề nhỏ (3,63 triệu đồng/tháng). Đây là một thông tin rất vui cho những người tương lai sẽ là giáo viên, nhận lãnh trách nhiệm trồng người. Thông tin thứ hai gây nhiều băn khoăn và thu hút sự bàn luận, đó là chuyện cho phép học sinh dùng điện thoại trong lớp. Quy định là cho nhưng quy định còn “thòng” thêm một câu là tùy “giáo viên xem xét có cho phép hay không”.

Về chuyện cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động, theo quy định, hiểu một cách cơ bản chất nhất là thuộc quyền của giáo viên. Tùy tình hình thực tế quản lý học sinh, từng lớp học mà giáo viên có nên cho phép hay không.

Tất nhiên, nghị định đã nói rất rõ, cho phép là để phục vụ cho việc học tập. Nếu sử dụng mà không phục vụ cho việc học tập là không được phép.

Có vẻ như ngành giáo dục đi quản lý những điều quá tỉ mỉ. Mà những việc này đáng lý từ lâu hãy giao quyền tự chủ cho các trường, giáo viên và học sinh.

Bắt giáo viên biết được hết một lớp mấy chục học sinh sử dụng điện thoại vào mục đích gì là việc rất khó. Mà ở đây, chúng ta quên mất một chủ thể cực kỳ quan trọng là học sinh. Riêng quy định này, nó đặt học sinh vào một thế “bị quản”. Học sinh cũng mất tự do mà giáo viên cũng mệt. Đã vậy thì quy định để làm gì!?

Theo người viết, một nhân tố quan trọng nhất trong trường học chính là học sinh. Tạo ra một môi trường học thoải mái nhất cho học sinh sẽ thu hoạch được nhiều hiệu quả nhất trong học tập.

Học sinh, phụ huynh, người học bây giờ đã “thấm đòn” về sự chọn lọc của thị trường lao động. Điều này rất hợp quy luật. Anh lao động, dù bất cứ nghề gì, làm giỏi, hiệu quả… thì lương cao. Nếu không lương cao thì ít ra cũng được trọng dụng; và ngược lại.

Nhiều ngành nghề lao động, người sử dụng lao động không quan tâm anh có bằng gì. Cái mà họ quan tâm là anh có làm việc hiệu quả hay không.

Nói như thế thì cũng chưa chết lý. Chết lý là bằng cấp chỉ là điều kiện ban đầu, khi tôi không biết anh là ai. Còn đã biết anh rồi, điều quan trọng nhất là năng lực làm việc của anh có đáp ứng được công việc hay không, đáp ứng ở mức độ nào.

Điều này, ở mức độ nào đó nó hơi “vênh” ở khu vực Nhà nước. Còn khu vực tư nhân, tuyển là không có hoặc rất ít.

Chẳng phải đã có thời, hễ con em học hết lớp 12 thì thế nào cũng phải loay hoay kiếm cho được một bằng đại học. Nó như là một “tấm thẻ” để vào đời. Cả học sinh và phụ huynh đều nghĩ vậy. Bộ quản lý chuyên ngành và nhà trường đại học không biết có nghĩ vậy không? Rồi qua thời, học đại học xong rồi cả hàng trăm ngàn sinh viên ra trường không kiếm nổi một việc làm, buộc các em và phụ huynh phải nghĩ lại. Đã có năm có đến hơn 30% học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học không chọn vào đại học. Tức là họ biết mình phải làm gì, cần gì. Thị trường lao động phát triển hơn đã định hình chuyện này - chuyện học hành và chọn nghề.

Nói như thế để thấy rằng, chính thị trường lao động mới có sức tác động mạnh mẽ đến việc định hướng học hành của học sinh.

Nguyên Lê