Máy sục khí, tạo ô xy liên tục

Cơn bão quét qua vùng cát Ngũ Điền làm xáo động vùng nuôi tôm chân trắng rộng lớn vừa thả giống chưa lâu.

Ao hồ, chòi canh hư hại sau bão được người dân nhanh chóng khôi phục. Điều mà hầu hết người nuôi tôm trên cát ven biển không lường được là hệ thống điện hư hỏng lớn, mất điện kéo dài đến 4-5 ngày. Đây là sự cố chưa từng xảy ra từ khi bắt đầu nghề nuôi tôm trên cát gần 20 năm nay.

Sự cố mất điện kéo dài, thiết bị máy sục khí không thể hoạt động khiến tôm nuôi thiếu ô xy, nổi đầu, nguy cơ chết hàng loạt. Người dân vội vàng đổ xô mua máy phát điện phục vụ thiết bị sục khí, tạo ô xy cứu tôm. “Chỉ chậm chừng vài tiếng, vụ tôm nuôi chính vụ ở vùng Ngũ Điền có nguy cơ mất trắng", anh Nguyễn Hải Đăng ở thôn Hải Đông, xã Phong Hải (Phong Điền) chia sẻ.

Anh Đăng nhẩm tính, mỗi ao hồ nuôi rộng 2.500-3.000m2, sau chừng 10 ngày đến hai tuần nuôi, chi phí từ con giống, thức ăn, điện nước, thuốc men, nhân công… ước 100-120 triệu đồng. Nếu bão đến từ giữa đến cuối vụ thì thiệt hại nặng nề, có thể đến cả tỷ đồng trở lên do chi phí đầu tư nuôi tôm lớn.

Sau bão số 5, người dân nhận ra một trong những nguy cơ thiệt hại lớn đối với nghề nuôi tôm trên cát, xuất phát từ sự chủ quan khi chưa mua sắm đầy đủ các thiết bị máy móc trước xu thế bão lũ ngày càng bất thường, khó lường. Trong đó, nguồn điện dự phòng phục vụ máy sục khí, tạo ô xy cho tôm  khi lưới điện quốc gia gặp sự cố là một trong những yếu tố quan trọng cần được đầu tư thỏa đáng.

Anh Võ Khiên ở thôn Hải Thế (xã Phong Hải) cho rằng, nuôi tôm chân trắng ven biển thường thả mật độ khá dày nên yếu tố ô xy luôn phải đảm bảo yêu cầu cho sự sinh trưởng. Ban ngày, tùy thuộc vào chu kỳ sinh trưởng của tôm để sử dụng máy sục khí, tạo ô xy từ một đến vài giờ; còn ban đêm cần phải vận hành máy sục khí, tạo ô xy liên tục. Tôm trong giai đoạn sinh trưởng mạnh (từ giữa đến cuối vụ) cần lượng ô xy rất lớn, chỉ cúp điện, máy tạo ô xy bị gián đoạn trong một vài giờ sẽ rất nguy hiểm, có thể dẫn đến chết tôm.

Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sửu đánh giá, mùa mưa bão, các yếu tố thời tiết, môi trường khá thích hợp đối với tôm nuôi trên cát. Vậy nên, đây được xác định là vụ nuôi tôm chính trong năm. Tuy nhiên, có được vụ nuôi thành công, người dân luôn phải đảm bảo đồng bộ các yếu tố kỹ thuật, thiết bị máy móc cần thiết, đề phòng và ứng phó khi lụt, bão.

Tuy nhiên, trước bão số 5, không chỉ các hộ nuôi tôm ở Phong Hải mà cả toàn vùng Ngũ Điền chỉ số ít hộ mua sắm máy phát điện dự phòng.

Sự cố cúp điện kéo dài sau bão số 5 đã thức tỉnh người dân, không chỉ đầu tư mua sắm máy phát điện dự phòng mà cần phải rà soát các yếu tố thiết bị, máy móc phục vụ ứng phó các sự cố trong mùa mưa bão.

Qua tìm hiểu, từ sau bão số 5 đến nay, gần như tất cả các hộ nuôi tôm trên cát ở Ngũ Điền đều mua sắm máy phát điện dự phòng, phục vụ sản xuất khi điện lưới gặp sự số. Mỗi thiết bị máy phát điện hiện nay có giá từ 30-90 triệu đồng, tuy kinh phí khá lớn nhưng là điều kiện cần phải đầu tư cho vụ mùa thắng lợi.

Chi cục Thủy sản tỉnh khuyến cáo, đối với vùng nuôi tôm chân trắng trên cát, yêu cầu các tổ chức, hộ nuôi vụ đông, hoặc kéo dài và duy trì nuôi vào các tháng thường xảy ra bão, lũ cần kiểm tra kết cấu hạ tầng ao nuôi, gia cố đê bao đảm bảo vững chắc; chủ động nguồn điện trong quá trình sản xuất; chuẩn bị máy nổ dự phòng và các trang thiết bị cần thiết ứng phó sự cố nhằm giảm thiểu rủi ro do thiên tai. Người dân nên thả giống với mật độ thấp hơn, khoảng 100 - 150 con/m2, đầu tư chăm sóc phù hợp để rút ngắn thời gian nuôi, có thể thu hoạch sớm…

Bài, ảnh: Hoàng Triều