Việc thành lập Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam nhằm nâng tầm lao động trong nước bằng các hành động cụ thể, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả năng lực cạnh tranh quốc gia; khích lệ tinh thần học tập, rèn luyện suốt đời để nâng cao trình độ kỹ năng của học sinh, sinh viên và người lao động; tôn vinh và khẳng định vị thế, tầm quan trọng của người lao động; thúc đẩy sự đồng hành, gắn kết của Nhà nước, nhà trường, các doanh nghiệp và toàn xã hội trong phát triển kỹ năng cho người lao động, thích ứng với bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.

Lợi thế lớn nhất của Việt Nam là có lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ với khoảng 94 triệu lao động, trong đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có khoảng 55,16 triệu người.

Từ chuyển biến trong giáo dục, đào tạo, những năm gần đây, chất lượng lao động Việt Nam từng bước được nâng lên nhưng còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao.

Theo nghiên cứu gần đây của Viện Khoa học lao động xã hội, hiện, năng suất lao động ở Việt Nam và trình độ quản trị doanh nghiệp rất thấp. Thực tế là 2/3 người lao động đang thiếu hụt kỹ năng về lao động và kỹ thuật; 55% số doanh nghiệp cho rằng rất khó tìm kiếm nguồn lao động có chất lượng cao.

Tại Thừa Thiên Huế, dù công tác đào tạo nghề từng bước được quan tâm nhưng vị trí xếp hạng đối với chỉ số đào tạo lao động còn thấp. Đánh giá kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh năm 2018, xếp hạng về chỉ số đào tạo lao động của Thừa Thiên Huế chỉ xếp thứ 35/63 tỉnh, thành.

Khảo sát từ cơ quan chuyên môn cho thấy, hiện, tất cả các lĩnh vực sản xuất trên địa bàn đều thiếu nguồn lao động chất lượng. Ở lĩnh vực công nghệ thông tin, các công ty “đau đầu” với bài toán thiếu nhân lực, khát nhân tài. Hiện, Huế có trên 130 doanh nghiệp công nghệ thông tin, trong đó có khoảng 35 doanh nghiệp chuyên sản xuất và cung cấp dịch vụ phần mềm với gần 700 nhân sự. Số doanh nghiệp không nhiều, quy mô chưa phải là lớn so với các địa phương nhưng vẫn thiếu hụt nhân lực trong khi sinh viên ra trường làm việc được ngay chỉ chiếm khoảng 30%. 

 Theo số liệu của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, trong khi nhu cầu việc làm lớn nhưng tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn vẫn cao, diễn ra tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, nhất là lao động kỹ thuật trình độ cao. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp, kỹ năng, tay nghề, thể lực và tác phong lao động công nghiệp còn yếu. Năm 2019, trình độ lực lượng lao động trên địa bàn đạt cao đẳng nghề chỉ chiếm 0,37%, trung cấp nghề là 1,56%.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập, vấn đề chất lượng lao động là bài toán lớn, đặt ra cho cả nước và các địa phương, đòi hỏi chiến lược, giải pháp hiệu quả, trong đó, khâu hướng nghiệp, chọn nghề, đầu tư nâng chất lượng các cơ sở đào tạo nghề, giáo dục…là vấn đề then chốt trong bối cảnh, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn; sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế khiến cho cung và cầu trong lao động thay đổi, trong khi các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp được xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Nhật Nguyên