Sau tháng 7/1954, Mỹ và chính quyền Sài Gòn không thực hiện Hiệp định Giơnevơ mà âm mưu chia cắt lâu dài nước Việt Nam.

Ngày 17/7/1955, Ngô Đình Diệm tuyên bố không Hiệp thương Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Được sự trợ giúp mạnh mẽ của Mỹ, Ngô Đình Diệm đẩy mạnh những chiến dịch quy mô lớn, kéo dài để khủng bố phong trào cách mạng.

Tuy nhiên, bạo lực không thể dập tắt được tinh thần yêu nước, không dập tắt được ý chí đấu tranh vì độc lập tự do và quyết tâm thống nhất đất nước của Nhân dân cả hai miền Nam - Bắc Việt Nam.

Cuộc đấu tranh của Nhân dân miền Nam đòi thực hiện Hiệp định Giơnevơ, chống lại chính sách chia cắt và đàn áp của chính quyền tay sai Mỹ ngày càng dâng cao để thống nhất đất nước, bảo vệ độc lập dân tộc.  

Lịch sử đặt ra yêu cầu có một đường lối chiến lược cách mạng đúng đắn để đưa cách mạng Việt Nam tiến lên, phù hợp với tình hình mới và xu thế vận động của thời đại.

Tháng 9/1960, Đại hội Đảng lần thứ III đã xác định nhiệm vụ và đường lối thực hiện đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền trong giai đọan mới: Đẩy mạnh cách mạng XHCN ở miền Bắc; tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.

Nước Việt Nam là một, dân tộc Vỉệt Nam là một - chân lý đó không bao giờ thay đổi. Nhiều cuộc biểu dương lực lượng của Nhân dân thể hiện mạnh mẽ tinh thần đó, đòi thực hiện Hiệp định Giơnevơ thống nhất đất nước đã diễn ra tại Hà Nội, Huế, Sài Gòn và khắp các tỉnh trong cả nước.

Đưa đường lối chiến lược của Đảng vào thực tiễn bằng những hành động và phong trào cụ thể, ngày 8/10/1960, Hà Nội kết nghĩa với Huế, Sài Gòn - như một biểu tượng mạnh mẽ của tinh thần đoàn kết, ý chí sắt đá đấu tranh thống nhất đất nước. Phong trào “Kết nghĩa vì miền Nam ruột thịt” đã động viên dân và quân miền Bắc thi đua sản xuất và chiến đấu “bảo vệ miền Bắc - chi viện miền Nam”, thôi thúc quân, dân miền Nam thi đua chiến đấu “giải phóng miền Nam - bảo vệ miền Bắc”. Tinh thần kết nghĩa đấu tranh Hà Nội - Huế - Sài Gòn - “Như cây một gốc, như con một nhà”. Cùng với đó, còn có nhiều tỉnh, thành miền Bắc khác kết nghĩa với các tỉnh, thành miền Nam.

Trong suốt những năm đấu tranh thống nhất đất nước, các tỉnh, thành phố kết nghĩa ở miền Bắc nhận nuôi dưỡng con em miền Nam tập kết và cán bộ miền Nam ra an dưỡng, cung cấp cán bộ chi viện cho miền Nam… Mối đoàn kết đấu tranh để thống nhất đất nước giữa các tỉnh, thành phố ở hai miền Nam - Bắc từ những năm đó nối dài đến ngày nay.

Trong bối cảnh mới của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước hôm nay, mối liên hệ thân thiết Hà Nội - Huế - Sài Gòn năm xưa đã có nhiều biến đổi, mang những nội dung hoàn toàn mới, những biểu hiện đa dạng, trên những lĩnh vực hoàn toàn mới. Chỉ có một điều không bao giờ thay đổi. Đó là tình cảm thống nhất Bắc - Nam, đồng hành cùng chia sẻ và phát triển của ba thành phố lớn mang sắc diện đặc trưng của ba miền, ba vùng địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa của đất nước vẫn bền bỉ, liên tục.  

TS. Ngô Vương Anh