Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, ông Haruhiko Kuroda phát biểu trong một buổi họp báo. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo ông Haruhiko Kuroda, các điều kiện kinh tế của châu Á vẫn còn nghiêm trọng bối cảnh sự phục hồi hoàn toàn của tăng trưởng toàn cầu sau đại dịch COVID-19 dường như vẫn còn "xa vời".

Tuy nhiên, sự suy thoái của nền kinh tế châu Á ở mức vừa phải so với những khu vực khác, một phần do nhu cầu vững chắc toàn cầu về các loại hàng hóa liên quan đến công nghệ thông tin được sản xuất trong khu vực này.

Từ một quan điểm dài hạn hơn, châu Á phải giải quyết những thách thức của khu vực để đạt được sự tăng trưởng kinh tế bền vững, chẳng hạn như năng suất lĩnh vực dịch vụ thấp và dân số già hoá.

Trong vấn đề này, số hóa là một trong những yếu tố quan trọng. “Nhật Bản là một trong những xã hội già hóa nhanh nhất và chúng tôi đang thảo luận về cách giải quyết những vấn đề phát sinh từ một xã hội già hóa. Tôi không quá bi quan về tác động của già hóa dân số đối với xã hội. Việc khuyến khích số hóa sẽ là động lực để nâng cao tiềm năng tăng trưởng", ông Haruhiko Kuroda phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến của Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia Hoa Kỳ.

Đáng chú ý, Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga coi số hóa là một vấn đề chính sách quan trọng, trong bối cảnh các chính sách làm việc từ xa và giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh làm tăng sự cần thiết để tăng tốc cải cách trên mặt trận đó.

Cũng theo ông Haruhiko Kuroda, cựu Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đại dịch đã bộc lộ tính dễ bị tổn thương trong các mạng lưới chuỗi cung ứng của khu vực châu Á, mặc dù nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực để đa dạng hóa hoạt động sản xuất và mua sắm.

Ngoài ra, cải cách kinh doanh để thích ứng với những xu hướng tiêu dùng đang thay đổi, chẳng hạn như nhu cầu đối với thương mại điện tử và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tuyến tăng lên có thể thúc đẩy năng suất lĩnh vực dịch vụ của châu Á.

Lê Thảo (Lược dịch từ The Jakarta Post & Reuters)