Trưng bày “Từ Thăng Long đến Phú Xuân, Gia Định” tại Bảo tàng Lịch sử nhân kỷ niệm 60 năm kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn
Giao thoa và tiếp biến văn hóa
Theo PGS. TS. Lê Bá Trình, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong quá trình hình thành và phát triển, sự giao thoa, tiếp biến văn hóa của 3 đô thị Hà Nội - Huế - Sài Gòn được thể hiện qua văn hóa vật thể với cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc đô thị; văn hóa phi vật thể với văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, áo dài và hiền tài của dân tộc gắn liền với từng giai đoạn của sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước.
Bàn về vai trò của Huế trong lịch sử dân tộc và mối tương quan Huế - Hà Nội – Sài Gòn, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, Huế giữ một vị thế rất đặc biệt. Từ một vùng đất biên viễn nổi danh, Huế đã trở thành một trung tâm mới trong quá trình Nam tiến và chuyển tải văn hóa Việt về phương Nam (các thế kỷ XVI-XVIII), rồi trở thành kinh đô của nước Việt Nam thống nhất dưới hai triều đại Tây Sơn và triều Nguyễn.
Trong quá trình đó, Huế đã góp phần rất quan trọng trong việc phát triển đất nước về mọi mặt, tạo ra một trung tâm mới ở phía Nam: Sài Gòn; đưa Việt Nam hội nhập vào Đông Nam Á và thế giới; nâng cao vị thế của dân tộc và đưa Thăng Long – Hà Nội lên một vị thế mới sau khi trao chuyển vai trò kinh đô. Đó cũng là quá trình quốc gia Đại Việt thực sự trở thành nước Việt Nam, Đại Nam, rồi nước Việt Nam mới với những ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Bởi vậy, có thể khẳng định, Huế là một phần rất quan trọng trong lịch sử dân tộc và cũng là phần không thể thiếu trong mối tương quan giữa ba trung tâm lớn: Huế - Hà Nội – Sài Gòn, cũng như trong sự phát triển của các kinh đô Việt Nam.
Nối tiếp dài lâu
Nhấn mạnh việc kết nghĩa giữa 3 thành phố Hà Nội - Huế - Sài Gòn là sinh mệnh dân tộc, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương cho rằng, nhìn về tương lai, tình đoàn kết Hà Nội - Huế - Sài Gòn sẽ còn tiếp nối lâu dài trong lịch sử dân tộc. Vì thế, cần tiếp tục suy nghĩ và làm nhiều việc cụ thể hơn nữa để xây dựng mối quan hệ này ngày càng bền chặt, phát triển trong tương lai.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm bày tỏ: “Tôi mong muốn Huế trở lại vị trí đúng như vốn có, đưa văn hóa Huế lên tầm văn hóa của quốc gia, để dòng văn hóa dân tộc được chảy liền mạch từ xưa đến nay, để ba miền Bắc - Trung - Nam hòa cùng một nhịp trong sự khác biệt của mình, hướng tới sự thịnh vượng chung của đất nước”.
Theo PGS. TS. Lê Bá Trình, để giữ gìn và phát triển sự giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa các đô thị văn hiến Hà Nội - Huế - Sài Gòn, cần có những giải pháp nâng cao tính hiệu quả về mối liên hệ vốn có của 3 thành phố. Bên cạnh nhận thức rõ hơn nữa về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc kết nghĩa này, cần xác định đúng vai trò, nhiệm vụ của mỗi đô thị đối với khu vực cũng như cả nước trong bảo tồn, xây dựng và phát triển. Mỗi thành phố phải quyết tâm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trước mắt, có giải pháp về xây dựng, chuẩn bị “con người của đô thị văn hiến”...
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ chỉ rõ, việc duy trì mối quan hệ, phát huy giá trị lịch sử của Hà Nội – Huế - Sài Gòn là nhiệm vụ 3 thành phố cần phải làm. Đây là giá trị vô cùng quan trọng trong lịch sử và hiện tại để góp phần thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị là đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đưa Huế trở lại vị thế vốn có.
Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, năm 2021, Huế sẽ đăng cai tổ chức gặp gỡ Huế - Sài Gòn – Hà Nội, không chỉ ở cấp lãnh đạo mà còn là cuộc gặp gỡ của các tầng lớp Nhân dân, những nhân chứng lịch sử, tổ chức giao lưu tuần lễ văn hóa của Sài Gòn và Hà Nội tại Huế. Chúng tôi sẽ bắt tay khởi công xây dựng công viên Huế - Sài Gòn – Hà Nội, đẩy mạnh hợp tác du lịch, kinh tế, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử vốn là thế mạnh của 3 địa phương.
Bài, ảnh: Minh Hiền