“Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhận thức đúng đắn vai trò, lực lượng to lớn của Nhân dân, từ khi thành lập (tháng 4/1930) đến nay, Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế luôn coi trọng công tác dân vận trong suốt tiến trình cách mạng.
Khen thưởng các tập thể điển hình “Dân vận khéo”. Ảnh: Anh Phong
Công tác dân vận đóng vai trò quan trọng
15 năm kể từ ngày thành lập đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong điều kiện hoạt động bí mật, trên một địa bàn phức tạp và quan trọng, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận, tổ chức Nhân dân tham gia các Mặt trận phản đế, Mặt trận Dân chủ Đông Dương, Mặt trận Việt Minh, với những cao trào cách mạng, tạo khí thế sôi nổi, tiến tới khởi nghĩa Thừa Thiên Huế thành công ngày 23/8/1945 với sự tham gia của khoảng 15 vạn người dân. Đó là sự vận dụng đúng đắn, sáng suốt của Đảng bộ vào công tác vận động các tầng lớp Nhân dân làm cách mạng.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, bằng niềm tin và sức mạnh toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ tỉnh đã tổ chức xây dựng và phát triển các tổ chức và đoàn thể Nhân dân với lực lượng hùng hậu, rộng khắp mọi nơi như: Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt… Công tác dân vận trong giai đoạn này càng khẳng định vị thế, vai trò then chốt trong các phong trào cách mạng. Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận, triển khai cán bộ bám trụ, bám đồng bằng với phương châm: dựng lại từng người, từng thôn, nhen nhóm lại phong trào và tổ chức cuộc đồng khởi ở nông thôn đồng bằng vào tháng 7/1964, giành dân, giành quyền làm chủ, mở ra vùng giải phóng rộng lớn. Cán bộ dân vận, binh vận đã len lỏi xây dựng cơ sở chính trị, lực lượng vũ trang phát triển lực lượng trên cả ba vùng chiến lược; tích cực vận động mọi nguồn lực trong Nhân dân toàn tỉnh hăng hái tham gia “Quỹ Độc lập”, “Tuần lễ vàng” năm 1945, ủng hộ, đóng góp của cải vật chất, tham gia các phong trào xuống đường biểu tình của học sinh, sinh viên và các tầng lớp Nhân dân, các phong trào khởi nghĩa trong đồng bào các dân tộc trên nhiều mặt trận, làm thất bại âm mưu, các đợt tấn công của địch, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ của Thừa Thiên Huế tiến lên mạnh mẽ. Chiến công nối tiếp chiến công trên khắp các địa phương, nổi bật là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 và đỉnh cao là chiến thắng mùa Xuân năm 1975.
Đại thắng mùa Xuân 1975, Bắc – Nam sum họp một nhà, bên cạnh niềm vui thống nhất đất nước, Nhân dân Thừa Thiên Huế cũng đứng trước những khó khăn, thách thức do hậu quả nặng nề của chiến tranh. Công tác dân vận trong thời kỳ này tiếp tục nhận được sự quan tâm và chú trọng của Đảng bộ tỉnh. Ban Dân vận Tỉnh ủy được củng cố tham mưu thực hiện công tác vận động quần chúng trong thời kỳ mới, từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm cuộc sống cho Nhân dân. Trong 13 năm hợp nhất tỉnh Bình Trị Thiên, vượt qua muôn vàn khó khăn của cơ chế quản lý tập trung bao cấp, Nhân dân Thừa Thiên Huế vẫn một lòng với Đảng, đoàn kết, gắn bó, nỗ lực xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh.
Phó Trưởng ban phụ trách Ban Dân vận Tỉnh ủy (trái) trao đổi công việc với cán bộ của ban. Ảnh: P. Thành
Tăng cường củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân
Hơn 30 năm sau khi tách tỉnh, công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh tiếp tục nỗ lực phát huy vai trò xung kích trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân vững tin theo Đảng, đoàn kết, thi đua lao động sản xuất, tạo được thế và lực mới để tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, giữ vững an ninh, trật tự và xây dựng quê hương ngày càng vững mạnh; tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; nhất là qua phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị. Nhiều mô hình Dân vận khéo cụ thể, thiết thực, mang tính xã hội hóa cao ngày càng được nhân rộng trong Nhân dân, nhất là các mô hình huy động các nguồn lực trong thực hiện các công trình công cộng, an sinh xã hội, tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững…
Qua 10 năm triển khai thực hiện phong trào, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 940 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” (kinh tế: 230 mô hình; văn hóa, xã hội: 353 mô hình; quốc phòng - an ninh: 242 mô hình; xây dựng hệ thống chính trị: 115 mô hình), góp phần tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Với quyết tâm “Đổi mới, sâu sát, hiệu quả”, hệ thống dân vận các cấp trên địa bàn toàn tỉnh thời gian tới tiếp tục xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình, tập trung triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động về công tác dân vận của các cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị. Mặt khác, phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Tập trung làm tốt công tác dân vận của các cơ quan nhà nước các cấp, nhất là việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và tổ chức của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng theo hướng có trọng tâm, thực chất, hiệu quả hơn. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”; tích cực tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác dân vận; đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; công tác phòng, chống tham nhũng. Nâng cao vai trò trách nhiệm và tính gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, tổ chức. Kiên quyết đấu tranh với những quan điểm, luận điệu sai trái. Tăng cường phối hợp, thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; xây dựng cơ chế phối hợp giữa chính quyền, các cơ quan, tổ chức với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; tích cực đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác dân vận. Tăng cường củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Với quyết tâm đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, hệ thống Dân vận toàn tỉnh nói chung, Ban Dân vận Tỉnh ủy nói riêng đã tích cực tham mưu về công tác dân vận, được Ban Dân vận Trung ương, Chính phủ, Đảng bộ tỉnh ghi nhận và đánh giá cao.
Đặc biệt, đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích trong công tác tổ chức bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2000 - 2004 và Huân chương Lao động hạng Hai về thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2007 đến năm 2011. Hiện đang được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh trình Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất về thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2015 - 2019.
Lê Minh Nhân
Phó Trưởng ban phụ trách Ban Dân vận Tỉnh ủy