Số người thiếu việc làm tăng 560,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Đó là thông tin được Tổng cục Thống kê công bố tại cuộc họp báo về tình hình lao động, việc làm quý III và 9 tháng năm 2020, ngày 6/10 vừa qua.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng khắp toàn cầu, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều bị ảnh hưởng, tùy thuộc mức độ kiểm soát dịch bệnh của các nước và độ mở của các nền kinh tế. Quý II/2020 nền kinh tế toàn cầu được đánh giá gần “chạm đáy”, tức là đạt mức tăng trưởng thấp nhất trong mấy chục năm qua, thậm chí tăng trưởng âm. Điều này kéo theo tình trạng mất việc, thất nghiệp tăng cao ở hầu hết các quốc gia.
Với Việt Nam, dịch COVID-19 xuất hiện cuối tháng1/2020, nhưng tác động của nó đối với nền kinh tế thực sự rõ nét cuối quý I và kéo sang quý II, với sự đứt gãy của chuỗi cung ứng thị trường cùng với việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội triệt để. Hệ lụy, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa, kéo theo số lao động nghỉ việc, giãn việc tăng mạnh.
Đợt dịch thứ hai bùng phát bất ngờ vào cuối tháng 7/2020 và dữ dội hơn lần đầu, với tâm chấn là Đà Nẵng. Thừa Thiên Huế tuy nằm sát tâm dịch, nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng với kinh nghiệm phòng chống dịch đợt đầu, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tuy quyết liệt, chặt chẽ nhưng linh hoạt hơn. Trong đó, việc áp dụng bộ tiêu chí đánh giá an toàn dịch bệnh ở các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh, bệnh viện, cơ sở giáo dục… giúp kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, nhưng không phải đóng cửa các máy, cơ sở kinh doanh, hạn chế được tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với nền kinh tế và ổn định việc làm của người lao động. Con số 1,5 triệu lao động có việc làm tăng so với quý II là chỉ dấu đáng mừng cho thấy hiệu quả của công tác phòng chống dịch, sự phục hồi tích cực của nền kinh tế nước ta thời gian qua.
Bên cạnh thông tin tích cực, một số liệu khác được Tổng cục Thống kê công bố, cho chúng ta thấy sự tác động sâu rộng của dịch bệnh đối với tình hình việc làm và thu nhập của người lao động. Đó là, đến tháng 9/2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trong đó, lao động bị giảm thu nhập (với mức giảm thu nhập nhẹ) là 68,9%; lao động phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên là gần 40% và lao động buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 14%.
Như vậy, tuy nền kinh tế nước ta có những dấu hiệu hồi phục khả quan, nhưng vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước. Tình trạng thiếu việc làm sẽ diễn ra ở hầu hết các khu vực, các ngành sản xuất. Vì vậy, giải quyết việc làm vừa là mục tiêu vừa là giải pháp khôi phục nền kinh tế, bởi lực lượng lao động là nguồn lực quan trọng của quá trình phục hồi và phát triển nền kinh tế trong thời gian tới.
Để vượt qua thách thức trên, cùng với các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước, việc chăm lo đời sống người lao động cần lồng ghép nhiều nguồn. Hiện nay, Chính phủ đang xem xét mở rộng đối tượng, nới lỏng các điều kiện gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 42/NQ-CP cho các nhóm đối lao động phi chính thức và lao động chính thức trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Đồng thời, đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để phục hồi hoạt động của các ngành kinh tế, nhất là các ngành bị ảnh hưởng nặng nề như dịch vụ du lịch, vận tải, hàng không… Trong đó, quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo cho người lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề. Điều này vừa giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp vừa tạo điều kiện cho người lao động bắt kịp với yêu cầu mới của doanh nghiệp cũng như tìm kiếm việc làm mới phù hợp.
Hoàng Minh